Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Trả bao giờ cho hết


     Gần 11 giờ đêm, đang xếp mấy đồ vặt cho chuyến công tác sớm mai thì chuông điện thoại bàn reo. Phương nhấc máy nghe rồi đưa cho Sinh, giọng đay nghiến:
     “Này của nợ nhà ông đây. Rõ thật là bôi mỡ vào người cho kiến đốt”.
     Sinh lặng người, cầm lấy ống nghe, một giọng lanh lảnh: “Anh Sinh à? Em Nhung đây…”
     Sinh không trả lời, đặt ống nghe xuống, với tay rút cái dây nối vào ổ cắm tường. Anh ngồi bần thần mấy giây rồi vội vã vào buồng vệ sinh. Lúc quay ra phòng ngủ, thấy Phương nằm quay mặt vào trong, Sinh mở máy điện thoại, đặt báo thức lúc 4 giờ rồi nằm xuống. Mai anh phải đi sớm và chuyến đi có nhiều việc phải làm. Định cố ngủ nhưng Sinh thao thức mãi.
   Cây số 40 đường 128, những vòm cây rừng rậm rạp. Dòng suối nhỏ trong vắt. Sinh và Thân men theo đường nhỏ ven suối sang trạm cơ vụ 73. Thân xách theo giò phong lan rừng đang nở rất đẹp mới lấy được hôm qua. Đơn vị cậu ta ở cách chỗ Sinh gần một giờ đi bộ, trong một khu rừng già ít bị bom đạn, mùa này phong lan nhiều lắm. Thảo nào hôm nay, cậu ta cứ sang giục Sinh đi bằng được.
    “Mày mồm miệng hơn tao, mày nói chuyện là chính đấy nhé - Thân nheo nheo mắt - Ở đó có lão Đệ, xê phó, đang tán em Nhung đấy, nhưng nó không thích đâu”.
    Cái lán lợp cọ, vách cũng bằng cọ của trung đội nữ nằm sát bờ suối. Những chiếc khăn tay trắng phơi ngay ngắn trên cái dây ở hiên cho thấy dù ở chiến trường, con gái vẫn gọn gàng hơn hẳn. Trong lán chỉ có vài người chắc là trực đêm, giờ đang ngủ.
    Nhung cũng vừa được đánh thức dậy khi có đồng hương đến. Cô cuộn cao thêm búi tóc rồi dẫn hai người ra bờ suối. Dáng cao, da xanh mai mái do sốt rét, mắt Nhung thật đẹp và ánh nhìn dịu dàng. Tháng trước, Thân kể nó mê Nhung lắm. Cùng là lính thông tin, cô cậu vẫn thỉnh thoảng gọi cho nhau bằng đường dây nội bộ. Sinh thì mới gặp Nhung một lần khi đi cắt lá tranh lợp nhà, lúc Nhung đang lên trạm giao liên. Ở chiến trường, đồng hương hàng tỉnh cũng là quí, huống hồ, Thân lại cùng huyện với Nhung.
     Chuyện cứ lan man về những người mà cả ba cùng biết cho tới lúc mấy tiếng kẻng cơm vang lên ở đâu đó phía dưới. Sinh và Thân chia tay cô bạn đồng hương. Đã lội ra giữa dòng suối mà Thân còn đứng lại nói với thêm mấy câu. “Nó yêu Nhung thật rồi” Sinh nghĩ lúc cả hai đã sang tới bờ bên này, cô gái vẫn đứng nhìn theo cho đến khi hai cậu khuất hẳn trong rừng cây lúp xúp. Trên đường về, nắng oi ả, bụng đói, lại phải đi qua mấy vạt rừng tranh cháy dở vừa nóng, vừa bụi, cả hai cứ lầm lũi bước, chẳng ai nói chuyện gì.
     Một tối, cậu liên lạc đại đội gọi Sinh lên xê bộ có điện thoại. Tưởng ai, hóa ra Thân, giọng cậu ta gấp gáp:
     “Nhung bị thương rồi, mày biết chưa?”
     “Khổ thế, có nặng không? Nó đi chi viện binh trạm 12 ở Bãi Hà tuần trước mà”.
     “Tao không biết rõ, cả trạm thông tin ở đó bị trúng bom. Nghe nói bị vào đầu. Số bị thương đưa về tuyến sau hết”.
     Sinh sững người, anh biết trạm thông tin ở đó, rừng bị bom đạn nhiều, trống trải lắm, mấy căn hầm rất khó ngụy trang.
     Tháng sau, Sinh nhận lệnh ra Bắc.
     Suốt một năm vừa ôn kiến thức phổ thông, vừa học tiếng Nga ở Trường văn hóa Quân đội là một thử thách lớn với Sinh và nhiều đồng đội cùng lứa. Mấy năm trong chiến trường họ có lúc nào nghĩ tới việc lại có ngày đèn sách thế này. Lớp học chia thành từng tổ và mỗi tổ có một giáo viên kèm cặp thêm. Rồi mọi chuẩn bị cũng hoàn tất, Sinh lên đường sang Liên Xô. Sáu năm đại học và gần 4 năm chuyển tiếp nghiên cứu sinh, anh về nước vào đúng thời kì khó khăn những năm tám mươi, nhận công tác tại một nhà máy quốc phòng ở Phú Thọ và anh cưới Phương, nhà ở Hà Nội, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu. Cuộc sống một chốn đôi quê, công việc nhiều thách thức choán hết thời gian của anh. Sinh không biết tin tức về đồng đội ở đơn vị cũ cho đến một lần về quê.
     Đang thẩn thơ chờ mẹ chọn mua thức ăn ở chợ huyện, anh gặp Phong, cùng trung đội ngày trước, quê ở Thanh Hà, đang đi bán giống cây vải thiều. Khỏi phải nói các anh mừng thế nào. Sinh kéo bằng được Phong về nhà bố mẹ mình chơi. Cho đến chiều thì tin tức về nhiều đồng đội cũ đã được Phong kể. Hơn chục năm, mọi sự thay đổi nhiều quá. Phong đã có hai con nhỏ, kinh tế rất vất vả do vợ yếu, ruộng khoán, nhà không có trâu. May mà có hơn chục cây vải của cha mẹ để lại, giờ Phong chiết cành đem bán kiếm thêm. Thân đã ở hẳn trong Nam, chẳng biết làm gì. Phong bảo: 
     “Đồng hương với nhau, tao biết thằng Thân có chí lắm, chẳng biết giờ làm ăn trong ấy thế nào mà không thấy về quê. Cái Nhung thì…mày nhớ Nhung ở trạm cơ vụ 73 không?”
     “Ừ Nhung, Nhung thì sao rồi?” Sinh hấp tấp hỏi. Phong và Nhung là người cùng huyện, thế mà Sinh cũng quên không hỏi gì về cô.
     “Hồi tao về phục viên, cũng chỉ biết nó bị tâm thần, thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi. Có mỗi bà mẹ già, nhiều khi phải nhờ hàng xóm đi tìm nó về. Không phải lúc nào nó cũng điên, bình thường thì cũng chăm chỉ làm, hết làm ruộng lại mò cua bắt ốc. Hai mẹ con ở với nhau thôi. Nó như thế lấy ai chứ? Chữa chạy thì quanh quẩn mấy viên thuốc ở bệnh viện huyện là cao nhất, mà cũng chỉ những lúc nó bị phát bệnh thôi. Hai mẹ con giờ túng bấn lắm, mà mẹ nó thì già rồi.
     Mấy năm gần đây mới biết là cái Nhung được hưởng chế độ bệnh binh, nhưng đúng là tâm thần, nó mang hết giấy tờ về cất ở nhà mà chẳng nộp cho cơ quan nào cả. Bà cụ cũng chẳng biết gì, thấy nó hay giận dỗi khi mẹ động đến cái túi vải cất trong bồ thóc thì cũng thôi. Thì ra nó có đủ cả giấy ra viện, Hồ sơ giám định thương tật, giấy giới thiệu về Ty thương binh xã hội hưởng chế độ bệnh binh. Cho tao xem mà nó cứ gườm gườm như sợ tao lấy mất. Phải mấy lần đến thuyết phục cùng với cô em họ thì nó mới cho mang đi nộp. Nhưng đã hơn hai năm nay, đã hỏi mấy lần vẫn chưa có kết quả gì. Sao số nó khổ thế không biết”.
    Chuyện ấy làm Sinh bùi ngùi thương cảm vài hôm, rồi công việc, cuộc sống bề bộn lại cuốn lấy anh. Sinh chẳng có lúc nào nghĩ tới.
     Sinh được điều động về Viện nghiên cứu của Tổng cục Công Nghiệp quốc phòng do đề tài “Gia công nhiệt các dạng phi tiêu chuẩn” của anh ở nhà máy đã được đánh giá tốt, nay Tổng cục muốn phát triển đề tài để thay thế một số loại linh kiện đang phải nhập khẩu.
     Bắt đầu từ năm ngoái, Sinh tham gia gặp mặt một số anh em đơn vị cũ ở quê nhân dịp 22/12. Hóa ra họ đã âm thầm tổ chức như thế mấy năm rồi mà lúc đó Sinh mới biết. Cũng dịp ấy, chính Phong bảo anh hỏi Cục Chính sách Quân đội về trường hợp của Nhung: “Chúng tao về hết cả rồi, chỉ còn mày ở trong Quân đội, lại ở ngay gần Bộ, mày không giúp thì chẳng ai giúp được. Đấy tuần trước tao sang nhà nó, đúng lúc nó đang lên cơn. Nó chẳng nói chẳng rằng, mắt nhìn tao trắng dã. Mẹ nó chỉ biết khóc”.
     Sinh đã nhờ anh bạn làm ở Cục chính sách mang bộ hồ sơ vào nộp. Bạn anh bảo: “chắc là không khó vì giấy tờ còn đủ cả”. May sao chỉ gần tháng, anh đã có trong tay bản sao Quyết Định hưởng chế độ bệnh binh hàng tháng, bản kê quy đổi thanh toán số trợ cấp truy lĩnh từ khi được hưởng lên đến gần trăm triệu đồng. “Đây là quyết định của Bộ Lao động thương binh xã hội. Bản chính được gửi theo đường công văn. Phòng Lao động của huyện sẽ chi trả. Mình phải làm từ trên thế này mới nhanh được chứ cả nước, hồ sơ từ cơ sở lên nhiều lắm, đa số còn thiếu yếu tố nên chậm là thường. Có trong cơ quan này mới biết gánh nặng chiến tranh, mất mát hy sinh ghê gớm thế nào”- Bạn Sinh phân trần.
     Khi Phong báo lên là ở nhà đã nhận được trợ cấp và sổ bệnh binh của Nhung, anh vui lắm, hệt như ngày bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ mấy năm trước.
     Chuông báo thức reo đến lần hai, Sinh mới choàng tỉnh, đầu nặng chình chịch. Phương càu nhàu:      “ Anh mang chìa khóa cửa đi, tôi mệt quá, bảo anh thay điện thoại bàn đi anh chẳng thay, rồi cô ta lại cứ gọi lên, tôi chịu sao được?”. 
     Sinh không nói gì. Anh khó chịu về thái độ của vợ, nhưng tự nhủ: “cô ấy không phải người xấu, chỉ là không trong hoàn cảnh của mình nên không thông cảm thôi”. Mà cũng khó thật, từ sau khi anh mang bản gốc hồ sơ của Nhung lên Hà Nội, cứ vài tuần, Nhung lại gọi điện đòi anh mang trả. Nói với Phong thì nó bảo: “ôi giời, nó tâm thần mà, mày đừng chấp. Sai lầm của tao là cho nó biết số điện thoại nhà mày. Chỉ lúc nó điên thôi, chứ bình thường nó ơn mày lắm, mày biết không, mày là thằng bạn tuyệt vời”.
     Cái lạnh buổi sớm cuối thu làm Sinh thấy đầu nhẹ hơn. Anh ra chỗ hẹn chờ xe đứng đợi. Trời vẫn còn tối. Một người đàn bà thồ rau trên cái xe đạp cũ, chắc từ ngoại thành vào, đang oằn mình trên bàn đạp. “Cuộc đời mỗi người một số phận”. Bất giác, anh lại nghĩ tới Nhung. Rồi cô ấy sẽ còn gọi anh, còn tìm gặp anh, chỉ để đòi cái bộ hồ sơ thương tật ấy. "Làm sao bây giờ?"./.











Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Lớp học đầu đời


    Năm 1960 tôi đi học vỡ lòng.
    Cho đến giờ đã qua bao nhiêu lớp học từ phổ thông, bổ túc, học nghề đủ thứ, nhưng ấn tượng về lớp học vỡ lòng thì thật không gì sánh được.
    Phố Nam Sách năm ấy hình như không có lớp công lập dậy trẻ trước khi vào lớp một. Tôi nói hình như vì mình bé tí nào biết gì đâu. Lớp vỡ lòng ở khu Hoàng Hanh, gần đình Vạn. Người đầu tiên dậy tôi học chữ là bác Nha, chúng tôi gọi là bác và xưng cháu chứ không gọi là thầy. Bác Nha lúc ấy đã già, thường mặc bộ quần áo ta bằng vải thô màu gụ. Bác hay bị ho, có lúc cơn ho kéo dài và bác phải ngồi thở rất mệt nhọc. Nhớ nhất là bác có cặp kính lão đeo trễ trên sống mũi, khi nhìn xuống trò thì qua phía trên của kính, trông rất nghiêm. Bác dạy học tại nhà, trên một gác hẹp bằng gỗ lúc đi lại cứ kêu cọt kẹt, cọt kẹt.. Lớp có khoảng gần hai chục cô cậu còn thò lò mũi và có đứa còn đái dầm. Bác có một cây thước to và dài mấy chục phân, thường gõ nhịp cho trò đọc theo và để răn đe duy trì kỉ luật lớp học.
    Mỗi buổi học bắt đầu bằng việc các trò mang vở lên cho bác kẻ thêm dòng phụ bằng bút chì và viết chữ mẫu ở đầu dòng bằng mực đỏ. Chúng tôi được học viết chữ rất cẩn thận. Bác dặn: “chữ nào cũng phải có chân, không có chân thì nó ngã mất”. Còn bé, nghe bác dặn thế thì nhớ lắm, sợ chữ nó ngã thật nên chăm chú từng nét. Những chữ a, c, d, g… trần thùi lụi thì phải bắt đầu bằng một nét hất lên làm “chân”. Ngày ấy chúng tôi viết bằng bút mực, gọi là bút “dông” (?), có một cái quản bút dài thường sơn hai mầu. Ngòi bút làm bằng sắt, thường là loại ngòi “lá tre”. Mực viết thì mầu xanh hoặc tím, dạng bột, mua ở mấy bà hàng xén đem về pha với nước. Làm gì có hộp đựng bút, cái thước kẻ vuông có chia xăng-ti-met và bút thường bị mất hoặc ngòi bút bị cong vì để trong túi vải cùng quyển vở với vài thứ đồ chơi như hòn bi, con gụ.
    Cuối buổi học các trò mang vở lên để bác xem. Bác không chấm điểm, chỉ khen những đứa viết sạch, đẹp. Đứa nào vẽ bậy hay làm bẩn vở thì “được” để hai tay lên bàn. Bác cầm cái thước to tướng dứ dứ và hỏi: “vẽ bẩn thế này thì mấy thước?”, sợ chết khiếp. Chẳng biết ngày xưa mình “hậu đậu” thế nào mà hay “được” để tay lên bàn lắm. Bác hỏi thì trả lời lí nhí “một ạ”. “hôm nay bẩn hơn cả hôm qua thì một thế nào được?”. Lại lí nhí: “hai ạ”. “Đét”, giật bắn mình. Bác vụt thước xuống bàn: “hôm nay bác cho nợ”, thế mà khóc. Bác chẳng vụt bao giờ mà sợ thế, không biết tôi “còn nợ” bác bao nhiêu thước nữa cho đến ngày viết được đủ mấy chục chữ cái… 
     Nhưng một lần có một đứa bị vụt là thằng Phúc. Chả là trong lớp có cái Dung, con ông Tiếp thợ may ở cuối phố La Văn Cầu viết chữ đẹp nhất. Thằng Phúc thì ngoẹo cổ, méo mồm mà chữ chẳng ra chữ rất hay “được” để tay lên bàn. Hôm ấy nó nhờ cái Dung viết hộ, lúc mang vở lên cho bác, cậu ta hí hửng lắm. Khi bác hỏi: “ai viết đây?” thì cái Dung lại nhanh nhảu: “cháu ạ”. Thế là Phúc bị một thước vào tay. Nhưng thằng ấy gan lì lắm, chẳng thèm chảy nước mắt. Nhà Phúc nghèo, mẹ nó bán rau ở chợ Huyện. Hình như nó lớn hơn tôi vài tuổi. Nó rất thân với tôi, thường bênh tôi khỏi bị mấy đứa ở Hoàng Hanh bắt nạt.
    Gần cuối năm học vỡ lòng, con trai của bác dạy chúng tôi. Chẳng biết bác ốm hay làm sao nhưng chúng tôi không được gặp bác nữa. Ngày ấy bé quá, nào có biết gì đâu.
    Khi tôi có con đi học lớp một, hay bị cô giáo phê bình không giữ vở sạch, bố tôi bảo: “nó còn hơn anh chán, anh đi học bác Nha, mỗi ngày một lọ mực. Mực bôi từ quần áo lên đến mặt ấy chứ”.
    Quá nửa thế kỉ rồi, tôi vẫn nhớ lớp học vỡ lòng ở phố Nam Sách ngày nào. Nhớ thằng Phúc, cái Dung, nhớ cái cầu thang gỗ ọp ẹp trong căn nhà nhỏ ấy và nhất là nhớ bác Nha. Sau này gặp những bức ảnh bác Hồ trong bộ quần áo nâu là bao giờ tôi cũng liên tưởng đến bác Nha,. Bây giờ, gõ bàn phím nhoay nhoáy, nhưng tôi vẫn có thói quen chép những bài thơ của mình trên giấy bằng những con chữ đầu tiên học từ bác Nha, người thầy dạy chữ đầu tiên của tôi./.


Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Chỉ còn mình em


(Lần đầu tiên trong đời, một bài thơ viết tặng vợ lại được đăng trong một tuyển chọn và được thưởng tiền (đủ mua bó hoa tặng vợ). Xin khoe với cả xóm nè.

Chắc là em vẫn chờ
Một bài thơ xuân đón tết
Như tự bao giờ chẳng biết
Em chờ thơ anh.
Nhưng em ơi lòng còn băn khoăn
Như cuộn len trăm mối
Anh âm thầm gỡ rối
Một mình canh khuya...
    Những bài thơ viết tháng ngày qua
Giữa bộn bề công việc
Vẫn ngân lên những vần tha thiết
Anh yêu nghề, và anh yêu em
    Nghề chọn anh, khi anh đã chọn em
Chỉ một tình yêu mà chia làm hai ngả
Anh trong đắm say ở giữa
Lúc nào cũng chông chênh...
      Anh yêu em từ lúc tóc còn xanh
Anh buông tay nghề, lúc trên đầu tóc bạc
Mấy chục năm, thỏa chí trai khao khát
Anh tung hoành trong thế giới ngổn ngang
Chẳng nhớ hết đâu những việc đã làm
Chỉ đọng lại trong anh rất nhiều gương mặt
Đã cùng sẻ chia ngọt bùi, đắng chát
Âm thầm những tấm huân chương
Trằn trọc nghĩ suy, thao thức những đêm trường
Đến người thân còn không hiểu nổi
Nỗi ám ảnh nghề, như say mê một người con gái
Thất bại, hi sinh, đau đớn đến tột cùng
Và vỡ òa trong sung sướng lúc thành công
Mấy người biết? nào đâu cần ai biết
Bao thế hệ đã vì nghề sống chết
Anh đi tiếp con đường oanh liệt ấy của cha ông
Đã 70 năm ngành Tình báo Quốc phòng...
    Giờ anh về với em
Về với tình yêu từ thời trai trẻ
Anh không tựa vào nghề, ngả về bên này nữa
Phút chống chếnh ngả nghiêng, em có hiểu anh không?
    Gần hết cuộc đời, cháy hết tuổi thanh xuân
Cho nghề, cho em, giờ là "ông già khó tính"
Như chiếc đồng hồ cũ rồi, làm sao điều chỉnh
Cứ tích tắc, ngập ngừng, nhanh chậm giữa thời gian
    Ngoảnh nhìn kìa, đồng đội của anh
Gánh nặng đường xa, ôi thương yêu nhiều lắm
Nhưng không thể nữa rồi, ghé vai cùng gánh
Anh đứng lại bên đường, hướng về phía quân đi
    Đón anh về, đưa anh về đi
Tình yêu lớn, làm lòng anh bối rối
Anh sẽ sống phần đời còn lại
Không có nghề, chỉ còn lại mình em.../

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Một ngày xóm Nam

         (tặng Xuân Thảo, Tô Hà)
Cứ như là về với anh trai
Về với mẹ ở Đồng Nai hôm ấy
Những người lính của cha gặp lại người em gái
Chiến tranh qua lâu rồi, cha cũng đã đi xa…
Mừng người anh dựng lại ngôi nhà
Bao chìm nổi, chắt chiu, tần tảo
Anh như chim đầu đàn đã bay trong gió bão
Một đàn em, nay kẻ mất người còn
Nước mắt mẹ già đã mấy héo hon…
Nào ai biết đến đâu là hạnh phúc?
Ai đo đếm thế nào là được, mất?
Anh chỉ biết dựng nhà, để lại đức cho con
Trảng Bom giờ cũng một đất quê hương…
Mà vui thế, mắt tràn mi, anh hát
Giọng ấm lắm và thường khi sai nhạc
Có hề chi, anh đang hát cho mình
Giữa đàn em, giữa đồng đội nghĩa tình
Rồi ngày mai lại mỗi người một ngả
Mỗi người mang đi một phần ngọn lửa
Đã cháy bùng lên, sưởi ấm mỗi con tim
Những người anh và những đứa em…
                               3/11/2015



Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Gửi Đồng Nai

Cả nhà vào trong ấy
Ôi vui quá là vui
Trong cách trở xa xôi
Vẫn mừng theo các bạn
Kìa ai đang bận rộn
Đón khách quí tân gia
Kìa ai tươi như hoa
Ngất ngây trong hạnh phúc
Giữa cuộc đời có thực
Dẫu mấy là gian truân...

Tay nâng chén nhạt rưng rưng
Nhớ chăng ngày tháng giữa rừng đói cơm?