Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Giâu gia xoan

Ngắm bức ảnh con rồng đất - giâu gia xoan, hình dung nó quẫy đuôi như đang chực vượt qua bờ đất để bỏ ông mà đi, tự dưng thấy nao nao trong lòng...
Ngày bé, chùm giâu gia xoan là một món quà chợ của mẹ. Cái chùm quả nhỏ, vài quả còn xanh, mấy quả chín ương ương và những quả mọng mầu hồng sẫm, được buộc bằng một sợi rơm hay cái lạt sao mà quyến rũ thế. Mấy anh em xúm lại khi mẹ vừa đặt cái rổ đi chợ về, lấy chùm quả ra chia cho mỗi đứa vài dảnh, đứa bé nhất sẽ được phần nhiều nhất như lẽ tự nhiên ở cái nhà này. Mẹ không quên dành cho đứa đang đi học một phần xứng đáng. Rồi mẹ tất tả lo chuyện cơm nước bữa trưa của cả nhà và những người bạn thợ của bố. 
Bận phụ việc thổi bễ lò rèn nên nó tắc lẻm hết ngay. Cái Việt thì chỉ nhón vặt một hai quả rồi còn để dành cho đến tận sau bữa trưa, khi bố và mấy chú thợ đã ngáy khò khò sau bữa cơm, mới bày ra bán hàng. Thế là, chỉ cần vài mảnh giấy gập lại làm tiền, có thể mua được nhiều quả nữa từ cái hàng quà của cô em gái kém 2 tuổi. 
Cái ngày dễ đến hơn nửa thế kỉ rồi...
Lớn hơn chút nữa, mới biết đến cái cây cho loại quà quê dân dã ấy ở hè nhà ông thợ cắt tóc phố Chợ. Đúng mùa hoa nở trắng trên cây và rụng đầy cánh mỏng manh trên nền đất. Lá ấy, hoa trắng mịn màng ấy, mùi hương ngai ngái ấy, mới biết sao lại gọi là giâu gia xoan.
Một lần khác, đang là chiến sĩ huấn luyện ở huyện Kinh Môn, buổi đi gánh than cám từ bến sông về, chỉ với mấy hào mà cả tiểu đội được nửa mẹt giâu gia chín mọng của một bà cụ hàng nước bên đường. Món giải khát mấy chục năm rồi mà giờ ngồi gõ những chữ này vẫn còn ứa nước trong miệng...
Nhưng giờ thì không thấy ai bán nữa, ở đâu chứ phố xá Hà Nội thì không. Trẻ con giờ cũng suốt ngày trong trường, trong lớp và thứ quả quê mùa kia không còn hấp dẫn nữa. 
Thời gian trôi và mọi sự đã đổi thay rồi...
Ông giáo già hẳn là phát hiện ra cái thế rồng quẫy này vào lúc ngồi nghỉ cho ráo mồ hôi, sau một hồi cuốc đất, nhặt cỏ. Cứ hay đoán mò thế, vì để trông thấy cái cây trên bờ đất này thì có khi là trước đó rồi, lúc đang phát bờ hay dọn góc vườn kia. Nhưng nó chỉ thành rồng khi ông ngồi nghỉ và cái trí tưởng tượng phong phú, có chất thơ ca bay bổng mới choán lấy tâm hồn ông, Và chắc là ông vui lắm, ông chạy vào nhà lấy máy ra chụp và làm thơ để khoe với bà, khoe với trò, khoe với bạn Tri Ân.
Chắc là chẳng ai lại đi trồng cái cây ở chỗ cheo leo đến thế. Nó tự đến đấy chứ. Chợt nghĩ, cuộc sống thật nhiều sự bất ngờ, khó đoán định và lựa chọn biết bao. 
Một thằng bé con nào đó vừa ăn dỗ em gái được vài quả chín, đi qua đánh rơi xuống bờ đường? 
Một con chào mào vừa sổ lồng nhà ông đầu xóm, vớ được quả chín mọng ăn rồi nhả hạt xuống đây?...
Hay là... 
Nhưng dù sao thì cái cây ấy đang có thực. Nó bám cheo leo trên cái bờ đất và thoải mái vung bộ đuôi hoành tráng chờ gió lớn. Mùa hoa, chắc nó là Bạch Long Vĩ chứ chả chơi. Đất lành chim đậu, mà nay rồng đang ghé đến thế này cũng là sự lạ. Chim đậu rồi chim cũng bay đi. Rồng ghé đến rồi thăng cũng là lẽ thường tình. Nhưng dấu vết ấy của Rồng Giâu Gia ở vườn nhà ông giáo chắc sẽ còn mãi trong kho ảnh của Tri Ân Cuộc Đời và trong trí nhớ của đám học trò giờ cũng không còn chơi bán hàng và ăn dỗ em được nữa....

29/9/2016

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Xem bóng đá



Ngoại hạng Anh, Mờ-u đá muộn
Một mình xuýt xoa, tấm tắc giữa đêm
Vợ ôm gối ra nằm xem cạnh
Hay..hay, chồng, sao không thấy...
                                                      ...Hồng Sơn(?)

                                                            24/9/2016

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Đá vụng



 Thấy lũ choai choai đá bóng phát thèm
                                                   Trước tớ cũng gôn tôm hay phết
                                                   Nhẩy vào đá chừng mười lăm phút
                                                   Khập khiễng về, vợ hỏi, “tự nhiên đau” (!)
                                                                                                      9/2016


Ăn cưới



Bàn tiệc mười người chẳng có ai quen
Bia cứ rót, nhạc cứ ầm, đến khổ
Chờ mãi mới được chào gia chủ
Ai bảo cưới bây giờ “cơm bụi giá cao”?

15/9/16

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Nhiêu khê


Nhà cao tầng giàn hoa ở ban công
Cứ vươn hết ra ngoài tìm nắng
Ngày ngày tưới mà không được ngắm
Vợ bảo: ông gom tiền sắm lấy cái ... trực thăng..

18/9/16

Hoa hồng gai


Gai hoa hồng gẫy buốt lòng tay
Cứ lẩm bẩm mình chưa già đã vụng
Rồi cả căn phòng ngập trong hương nồng đậm
Chả trách người đời vẫn cứ thích hồng gai...

18/9/2016

Nhớ quê


Trong thang máy mọi người đều quen mặt
Chẳng ai hỏi, ai chào, rõ ra vẻ người dưng
Ở chung cư, lòng người như đá cuội?
Sao chưa bỏ nơi này về với quê hương?

16/9/2016

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

ám ảnh

Tiếng cười em trong trẻo vô tư
Không tả được bằng lời tôi quê kệch
Thấy lồng ngực rung lên từng nhịp
Thương con tim chưa biết đã già
Đưa tôi về những tháng ngày xa
Một nụ cười suốt cuộc đời ám ảnh
Đã không tìm về em sau ngày toàn thắng

Để người ấy bây giờ thành người ngày xưa...

Thăm đền Taj Mahan




“Sao nàng vội đi, để lại nỗi đau này
Khắp vương quốc một ngày trời tắt nắng
Khắp kinh thành một tháng liền vắng lặng
Và lòng ta đau đớn sẽ bao năm...?”
... Mấy thế kỉ rồi, hôm nay tới thăm
Lòng trai trẻ bồi hồi xúc động
Đá nói đấy, từng lời thầm lặng
Nghe cồn cào như từ một làn môi
Vua chúa cũng là người, như mình cả, em ơi
Cũng có nghĩa tình trong bạc vàng, nhung lụa
Và tình yêu, tình yêu muôn thuở
Có trước khi anh và em yêu nhau
Sáng giữa đất trời, cho đến mai sau
Bài thơ tình yêu tạc bằng đá trắng
Soi bóng xuống dòng sông im lặng
Như lời nguyền còn mãi với thời gian
Anh chợt nghe giữa tĩnh lặng không gian
Cả một công trường đang mài, đẽo đá
Những người thợ một đời vất vả
Trộn mồ hôi mình cho đá trắng hôm nay
Cháu con họ, còn ai ở nơi đây
Trong những con người nghèo nàn và chất phác?
Có ai nữa hôm nay còn giữ được
Nét tài hoa nghề chạm đá truyền đời
Anh bỗng thương em ở tận cuối trời
Lam lũ sớm hôm mình em toan tính
Chưa đến được nơi hôm nay anh đến
Agra mảnh đất đượm tình người
Taj Mahan, anh dừng một ngày thôi
Chưa thấy hết nỗi niềm trong thớ đá
Nhưng bỗng hiểu tình yêu là tất cả
Và nhớ em đến tê tái cả lòng
Có tình yêu mới trọn nghĩa vợ chồng
Tình nghĩa ấy không dễ gì có được
Hiểu thêm nhau mỗi đoạn đường ta bước
Mỗi sợi trắng trên đầu, đánh dấu một ngày xa
Anh thẩn thơ trong nỗi nhớ nhà
Bỗng muốn dựng một lâu đài đá trắng
Tạc vào đó tình anh thầm lặng
Ghi đến ngàn đời cái nghĩa của em
Taj Mahan anh ngồi đợi trăng lên...
                    Agra, Ấn độ

                        15/8/1992

Hồ trên núi





Đường cứ lên, lên mãi không thôi
Ngoằn ngoèo dốc giữa mây trời bảng lảng
Bỗng òa ra, một vùng đầy nắng
Yên lặng mặt hồ
Nai Ni Tal đấy ư?
Thành phố ở độ cao hai nghìn mét
Ôm gọn trong lòng một vùng nước biếc
Giữa trập trùng non xanh
Lấp loáng, long lanh
Cả một góc hồ bồng bềnh mây trắng
Và mấy chiếc buồm xanh trong nắng
Dụi mắt nhìn ngỡ đang mơ
Hãy thả xuống đi những chiếc thuyền trẻ thơ
Anh gập cho em bằng giấy
Em làm cô lái đò thuở ấy
Tiếng cười đến vô tư...
Chuyện kể rằng ngày xưa
Có một nàng tiên theo chị em xuống tắm
Nàng trót yêu sau đắm
Chàng trai kiếm củi bên hồ
Rồi câu chuyện tình nên thơ
Ngập chìm trong nước mắt
Rồi kẻ ở, người đi, kẻ trời, người đất
...thôi nghe làm gì những câu chuyện chia xa
Thời nào chẳng có
Chỉ biết lúc này em đang ở đó
Cùng bè bạn nô giỡn trên thuyền
Em cũng là nàng tiên
Chưa kịp yêu một người trai kiếm củi
Thuở bé anh học giỏi
Em có yêu một chàng kĩ sư?
Đùa vui thế thôi cho tiếng cười vô tư
Giữa cuộc đời còn nhiều gian khó
Cho những kỉ niệm thơ ngây tươi trẻ
Khỏi bị lãng quên giữa cơm áo gạo tiền...
Giữa một vùng mây nước bình yên...


            Hồ Nai Ni Tal, Ấn độ tháng 8/1993