Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Vụn ký sự

                   Vụn ký sự 1

Mọi người mua, cũng hí hửng mua theo
Tôm đồng tươi vẫn còn tanh tách nhẩy
Tươi ngon thế này vợ mình vui lắm đấy
Về, vợ vắng nhà, lại lụi cụi cắt râu...
Ôi…lâu…


               Vun ký sự 2

Lũ thanh niên trong khu đá bóng
Ông già, làm trọng tài được chứ? Sao không?
Tớ cũng cỡ FIFA mới thải
Lúc thổi quả phạt đền, chúng ầm ĩ: "ông hâm"

Ờ…ờ …hâm

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Ô tô ký sự

              Ô tô ký sự 1

Cao tốc đi Hải Phòng, xe chạy mát chân ga
Ừ, đường xá mình giờ kém gì Bắc Mỹ?
Đang vun vút, bỗng “choang”, đá bay, kính vỡ
Cầu vượt ngang đường, thấp thoáng bóng trẻ trâu…
Ô…ở đâu…

             Ô tô ký sự 2

Đang lái xe, chuông điện thoại réo vang
Cầm lấy máy, chu cha, cô bạn cũ
Giời ạ, chuyện lan man, hẹn hò đủ thứ
Chú cảnh sát tuýt vào, mời anh ký: năm trăm…
Ôi…thâm…

            Ô tô ký sự 3

Hai xe chợt đối đầu đường hẹp
Thôi mình lùi trước tí, tránh “gấu, voi”
Xe kia vượt lên, cô gái xinh cầm lái
Hổ bên cạnh gầm gừ: về nhà chết với tôi…
Ôi…toi…

             Ô tô ký sự 4

Xe buýt đông người, lắc la lắc lư
Cô gái trẻ đứng sát vào, thơm phức
Ô, ta đang mơ hay trong đời thực?
Cô gái xuống rồi, ví mình... cũng đi theo…

Ôi…tèo…

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Ánh mắt em


Đọc lại bài thơ cũ
Nhớ em của ngày xưa
Đôi mắt cười trong vắt
Theo anh đến tận giờ...

Vô đề 8

Nghe tiếng chuông vội ra mở cửa
Một cụ bà mời mua mấy gói tăm
Trông dáng cụ giống mẹ mình đến thế
Chợt nhói lòng, lâu quá chẳng về thăm...

Đọc bài Một mình tự sự

           Nếu ở gần thì thế nào tôi cũng chạy qua để hầu rượu, nghe thơ ông trong dịp này.
            Mà dịp này, khi bà đi vắng, chứ không phải là lúc khác.
         Ông ở một mình, hẳn thế, gẩy đàn, mình gẩy mình nghe. Hồi nào đọc trên trang thấy hình như ông biết chơi đàn Măng đô lin hay sao ấy. Giờ ông chơi để thưởng thức những âm thanh do mình tạo ra hay ông muốn xua cái vắng lặng?
        Rồi ông bình thơ, nhặt “câu được, câu chăng” cũng chỉ một mình.  Ông lại ngồi nghĩ ngợi, chẳng buồn tênh, nhưng chắc là có buồn vì vắng vẻ. Rồi thấy ông lụi cụi, đi ra, đi vào, xếp cái này, đặt cái kia. Chắc phải xếp đi đặt lại nhiều lần thì mới “như ông xẩm” chứ nhỉ?
Nhưng đừng tưởng là ông cô độc nhé. Một mình mà không cô độc vì ông có rượu, có nàng thơ. Tôi cam đoan là ông không chỉ một lần này như thế. Ông vẫn sống chẳng đến nỗi nào khi vắng bà vì may trời phú cho ông chút “sợi tơ trời” vương vấn từ thời trai  trẻ. Nhân gian cũng đã sáng tạo ra thứ nước cốt tinh túy của gạo cho tất cả và nhất là cho những người thích thơ.
       Song le, đọc đến cuối bài thì thấy thực là ông cố tỏ ra như thế cho bà đỡ phiền lòng thôi, để bà còn yên tâm lo giúp con cháu trên Hà Nội. Thì đây, bằng chứng là ông bảo ông “vẫn đình huỳnh”. Ối chà, ”đình huỳnh” thôi, chứ không phải “đàng hoàng” đâu nhé. Có người có thể cãi: để gieo vần “uỳnh” cho hợp vận toàn bài, chứ thế là “đàng hoàng” đấy. Tôi không tin như vậy. Ông già chơi chữ nghĩa bao nhiêu năm, rút trong ống tay áo ra thì vần có xếp cả đống cũng không hết. Tưởng tượng ông ngồi thanh thản, trước mặt có nậm và chén nhỏ, hai tay hơi khuỳnh ra dù chỉ có một mình.
        Tôi chưa đủ trải nghiệm hoàn cảnh tương tự nhưng chợt nhớ đến chuyện bố mình, ông thợ rèn có tiếng trong vùng, thích uống rượu và hơi “gia trưởng”. Là người kiếm tiền nuôi cả nhà, vì vậy có thể lúc nào đó ông thiếu tế nhị trong đánh giá “công lênh” của bà mẹ tôi chăng. Một lần, trong bữa cơm, chẳng hiểu các cụ lời qua tiếng lại thế nào, chiều hôm đó mẹ tôi khăn gói đi thăm con gái cách nhà cả vài trăm cây số. Mọi công việc nội trợ chất hết lên đầu ông bố vì chúng tôi còn phải đi học. Ba ngày đầu, mọi việc có vẻ ổn, nhưng rồi có hôm tôi đi học về muộn thấy ông vừa ngủ gật vừa băm bèo nấu nồi cám lợn. Chỉ được 7 ngày, ông ra bưu điện gửi đi một dòng ngắn ngủi, ký tên tôi: “bố ốm, mẹ về ngay”. Mẹ tôi tất tả về vào đúng buổi trưa, thấy ông đang ngồi khuỳnh khuỳnh uống rượu, lại còn bảo: “bà về sớm thế, bố con tôi vẫn đàng hoàng”. Mẹ tôi mát mẻ: “Vâng, lúc nào mà ông chẳng đàng hoàng, chỉ có thân tôi là khổ”.  
       Thế đấy, một gia đình thiếu bàn tay người phụ nữ thì chán lắm. Dân gian còn có câu: “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông” kia mà. Với mọi nhà nhìn chung là vậy, huống hồ nhân vật bà trong bài thơ trên kia đâu chỉ có lo “những việc không tên”. Bà còn là người thưởng thơ, thưởng nhạc, “ai tri âm đó, mặn mà” cùng ông, thì bà đi vắng ông đàng hoàng thế nào được?.
       Nhân nói đến chuyện tri âm, kể ra chuyện này cũng hơi xấu hổ. Năm ấy tôi về phép, vợ chồng son mới được bố mẹ cho ra ở riêng ngoài xóm trại vắng vẻ. Buổi tối lên tận phố huyện mượn được cây đàn ghi ta, quyết trổ tài với nàng một phen. Trăng thanh, gió mát, nàng gội đầu xong đứng hong tóc góc sân, tôi mang đàn ra độc tấu bài tủ “sóng sông Đa nuýp” học mót truyền tay của một cậu lính công tử người Hà Nội. Khua xong cả bài, tôi háo hức hếch mặt lên chờ đợi. Nàng bảo: “Anh đánh đàn nghe cứ ào ào như mưa ấy nhỉ” (!) thật hết biết. Thế là từ đó tôi chẳng bao giờ đụng đến cây đàn.

      Trở lại trên kia, tôi bảo thích hầu chuyện ông dịp này là bởi ông có chơi đàn thì cũng chỉ một lúc, bình thơ mà không có người nghe cũng kém hứng khởi. Mình là học trò, thích nghe, thích hỏi, lại cũng thích uống rượu, chắc ông dễ mở lòng mở dạ. Nếu bà có nhà thì câu chuyện sẽ vui theo cách khác, nhưng dễ gì được nghe những điều sâu lắng, trải nghiệm, gan ruột của Thầy?.

       Bà đi ít hôm rồi bà lại về. Khoảng thời gian bà đi vắng, dù ông vẫn rượu, vẫn thơ đấy, nhưng nó sẽ là một phiên bản khác để so sánh với lúc có bà bên cạnh. Để rồi đôi bạn già ấy sống cuộc đời bình dị, thanh bạch, đáng trân trọng trong mắt những người thân./.

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Đợi một cánh thư xuân

     Anh viết cho em khi xuân đang về
Tiết đông chừng bớt lạnh
Sương giăng sớm trên phố phường im lặng
Và bồi hồi nỗi nhớ riêng anh
    Mùa xuân này vẫn trời biển cách ngăn
Thấy ríu rít nhà bên, em đừng khóc
Con mải vui cùng bạn học
Anh biết em lại chỉ có một mình
     Nghe thấy chăng em lời thủ thỉ tâm tình
Theo ngọn gió lùa qua khe cửa
Em có thấy tiếng reo từ ngọn lửa
Tiếng con chim vui hót dưới hiên nhà
    Ấy là anh vừa ghé qua nhà
Như những ngày xưa vội vã
Lính mà em, thời chiến thời bình đều thế cả
Anh về rồi lại đi
   Cứ như là trong mơ
Những ngày gần nhau ngắn ngủi
Giọt nước mắt trên vai anh nóng hổi
Sợi tóc vương trên áo lúc rời xa
    Những mùa xuân cứ thế đi qua
Âm thầm, lặng lẽ
Xa nhau suốt cả thời trai trẻ
Vẫn chưa gần lúc sang tuổi bốn mươi
                     ***
    Sáng xuân này anh đứng giữa đất trời
Mặc sương lạnh giăng giăng mọi lối
Anh đứng và anh đợi
Một cánh thư vui, từ phía mọc mặt trời./.

                                         1993

Lại một tết xa nhà

    Tết lại về, lại vẫn thiếu em
Xa cách mãi, mỏi mòn nỗi nhớ
Anh lặng lẽ đứng bên cửa sổ
Ngắm mãi dòng xe chạy ngược xuôi
    Oa-sinh-tơn còn lạnh lắm em ơi
Mặt đất im lìm trắng tuyết
Chắc còn lâu mới đến ngày chồi biếc
Cựa đầu cành mời gọi xuân sang
    Lâu thế mà vẫn chưa hết một năm
Còn hai mùa hội hoa anh đào nữa
Hai mùa lễ Tạ ơn, hai mùa thu lá đỏ
Hai mùa đông mưa gió sụt sùi
    Vắng em thì công việc làm vui
Vắng em thì bữa cơm trầy trật
Vắng em đêm ngủ không trọn giấc
Vắng em thì… vắng lắm em ơi
    Anh biết ở nhà cũng vắng thế thôi
Lại càng thấy thương con thêm chút nữa
Bữa cơm chia thừa đôi đũa
Để mong cho bố chóng về
    Dịp này ai đưa em về quê
Xe ngày tết, dặm đường xa ngái
Em đừng đi lối bến phà Phả Lại
Người đông, phà chật, bập bềnh
    Mang về giùm anh một chút lòng thành
Ở nơi xa khấn vọng về tiên tổ
Làn hương mỏng bay qua cửa sổ
Có đủ sức về tới tận quê hương?
    Nhưng lòng anh vẫn qua đại dương
Qua không gian, qua thời gian vẫn thế
Thương các con, lo về cha mẹ
Và nhớ em da diết trong lòng
    Vườn đào sau nhà mình năm nay có đẹp không?
Khóm hoa súng em có còn giữ được?
Cây bằng lăng mới trồng cửa trước
Đã vươn cành, trổ lá chưa em?
    Một mùa xuân sắp về nhựa sống đã dồn lên
Cây chờ đợi dâng cho người hương sắc
Người chờ đợi mong đến ngày gặp mặt
Anh nhớ em trắng cả tóc trên đầu
… Dưới lòng đường xe vẫn nối đuôi nhau
Cuộc sống chẳng lúc nào ngưng nghỉ
Anh lặng lẽ đứng bên cửa sổ
Lại đón tết một mình, cồn cào nỗi nhớ em./.

                                         1998

Chia ly trước mùa xuân

   Mùa xuân này muốn dành cả cho em
Bởi lại sắp cách xa vời vợi
Em đã sống những tháng năm chờ đợi
Những ngày rất dài, những đêm rất sâu…
   Có bao giờ đòi hỏi gì đâu
Cô gái của làng quê chân thật
Vụng đường tính những gì được, mất
Cứ bồng bột yêu đời và tha thiết yêu anh
   Nhưng em ơi, dẫu đã hết chiến tranh
Đất nước đã yên bình không tiếng súng
Kẻ thù vẫn đêm ngày ngầm đánh
Chúng muốn chặn con đường cả dân tộc đang đi
   Hai mươi năm đã biết mấy chia ly
Em nhớ rõ từng ngày, từng tháng
Anh mải mê ở đâu, hay quên lắm
Ngày sinh nhật em cũng chỉ cười trừ
   Đời bộ đội nghèo “nuôi vợ bằng thư”
Còn con nhỏ? “nuôi con bằng kẹo”
Ruộng đất quê mình nhiều khoai ít gạo
Đồng lương anh, ngày trả phép, lại tiền em
   Vượt qua đói nghèo các con vẫn lớn lên
Như mầm cỏ đất cằn vẫn sống
Những năm anh xa, một tay em chèo chống
Đuôi mắt thêm nhiều vết rạn chân chim
   Thế mà anh lại sắp xa em
Đôi cánh nhỏ sắp vẫy vùng trời lạ
Anh đề lại cho em tất cả
Nhọc nhằn, vất vả, lo toan…
   Em sẽ là ngọn lửa quê hương
Sưởi ấm lòng anh mùa băng giá
Sẽ trò chuyện với anh, những đêm ít ngủ
Sẽ cho anh hạnh phúc tròn đầy
                     ***
Xuân đến rồi, mưa giăng bụi sớm nay
Anh lặng lẽ ngắm em trong giấc ngủ
Và chợt hiểu tình yêu anh chưa đủ
Với những gì em mang đến cho anh…/.

                                         1997

Ru em

    Vai anh đây, em hãy tựa đầu
Ngon ngủ nhé, đêm xuân mưa tí tách
Hết đợt rét dài, trời thì thầm cùng đất
Một mình anh thức với bao la…
    Một mình anh thức với tháng năm qua
Kìa bóng dáng em, những ngày xưa lam lũ
Một nách hai con, sờn vai áo cũ
Căn nhà nhỏ nhoi, xóm trại hoang sơ
    Và những khi anh đột ngột ào về
Mâm cơm nhỏ giữa sân, con tíu tít
Dồn nén thời gian, òa lên ngày hạnh phúc
Rồi anh đi…
   Rồi anh đi, như mang tất cả anh đi
Để lại cho em cái đơn chiếc đêm khuya
Để lại cho em ruộng sáu sào cày cấy
Để lại cho em nước ngập đồng tháng bẩy
Để lại cho em con đi học đường xa
Để lại cho em những trận bão xô nhà
Để lại cho em những ngày mưa mái dột
Để lại cho em những đêm dài con sốt
Một mình em lau nước mắt một mình
Anh ở xa, khác chi kẻ vô tình
Dòng thư ngắn em giấu bao tủi cực
Làm vợ lính, đếm từng ngày hạnh phúc
Năm tháng dài, cứ như thế thoảng trôi…
                     ***
   Rồi đến một ngày như “vật đổi sao dời”
Chẳng có “Chiếu dời đô”, chỉ bốn bàn tay trắng
Dắt díu nhau, gồng gồng, gánh gánh
Như đàn gà con lạc mẹ giữa phố đông
Chỉ để con gần cha, chỉ để vợ gần chồng
Ôi ngày ấy, cuộc di dời ngoạn mục
Trong đói nghèo vẫn nhóm lên hạnh phúc…
     Có hề chi, phu khuân vác xưởng cưa
Có hề chi, chợ sớm với chợ trưa
Có hề chi, lại đêm đêm đèn sách
Viết nửa chừng trang, bút buông em ngủ gục…
     Như hoa cuối vụ rồi, tỏa vội chút tàn hương
Như kén tằm trút nốt sợi tơ vương
Như cánh bèo, không chịu chìm, nước xiết
Bàn tay quen cấy trồng, giờ em đi làm thuốc
Chắt tinh túy cỏ cây dâng hiến cho đời
Và thời gian cứ như thế nhẹ trôi…
                     ***
    Ngoảnh lại nhìn, sắp sang tuổi sáu mươi
Anh cũng sắp hết cuộc đời người lính
Trả lại súng gươm, rời lưng ngựa chiến
Anh trở về…
Anh trở về với một trái tim
Một trái tim nguyên vẹn biết yêu em
Một trái tim biết ơn đời vợ…
                  ***
Đêm yên tĩnh, đêm xuân yên tĩnh thế
Hơi thở em sao chưa bớt nhọc nhằn
Cứ tựa đầu ngon ngủ vai anh
Trời hửng sáng, xuân về trên cành biếc
Em có nghe nhịp tim anh thao thiết
Hòa cả tâm hồn thành lời hát ru em…

                                      2013

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Vô đề

                Vô đề 1
Mở trang Tri Ân thấy lọ thơ đường
Ai đã sẵn pha vào cùng rượu
Đọc tới, đọc lui, chừng khó hiểu
Dốc ngược bình, chắt rượu, thế mà say...
                  Vô đề 2
Hay viết những vần thơ ngày xuân
Đâu hết rồi những ngày thường mùa khác
Hạ thì nóng mà đông thì rét
Còn mùa thu? man mác tựa nỗi buồn...
                    Vô đề 3
Vợ vắng nhà, nhờ đặt hộ nồi cơm
Cho gạo nước vào rồi...quên cắm điện
Trưa vợ về: Quên cắm rồi, ông tướng
"Quên cắm" tự bao giờ? ừ, từ lúc nghỉ hưu...
                  Vô đề 4
Đến Hải Hậu, tính rẽ Quất Lâm
Trời hửng háo, bỗng bừng lên nóng bức
Chú lái xe cười: ông già quê một cục
Mùa đông rồi, heo hút lắm Quất Lâm...
                   Vô đề 5
Ngang công viên thấy ông tập xà đơn
Một cành cây chìa ngang, cũng đủ
Chà, già thế mà xem chừng còn khỏe
Thương cành cây, bỗng dưng phải thành xà...
                 Vô đề 6
Dẫu chẳng phải ông Tơ, mà Nguyệt
Chẳng phải là Bà Nguyệt, chẳng dính tơ
Làm mối nhé, tớ đang cô đơn lắm
Bỗng một ngày, bỗng dưng nhớ ...người thơ...
              Vô đề 7
Rời đường Năm, ngược bắc, đến cầu Phù
Đổng cao vút những cột đèn như những
cánh cò bay dập dìu trong nắng
ấm quê người quan họ, Bắc Ninh ơi...