Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Vụn kí sự 3

Làm đậu phụ

Thấy mọi người làm đậu phụ tại nhà
Tí tởn mua đỗ về, xay..xay và vắt..
Vợ khen: "bố mày làm thế mà ngon thật"
Chỉ tiếc cái máy xay Thái Lan, mệt quá, nghỉ luôn rồi...
Ôi.. đậu phụ ơi..


Tỏi đen

Dân mạng ồn ào: tự làm lấy tỏi đen
Chữa bách bệnh. Ừ thì ngâm một mẻ
Hai tuần đợi chờ, tỏi đen tuyền, sướng thế
Chén một củ, thôi rồi, đau bụng suốt cả đêm...
Ôi, tỏi đen...

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Nhớ em



Em đi ngày lặng gió
Hà Nội đã vào xuân
Hoa Sưa nở trắng ngần
Rưng rưng cành lộc biếc
Phía ấy trời còn tuyết
Cành cây khô khẳng khiu
Phía ấy cuối giờ chiều
Sương mù buông mờ ảnh
Phía ấy vầng trăng lạnh
Khó ngủ lúc nửa đêm?
…Hà Nội giờ vắng em
Cà phê buồn không sánh
Ngày trôi trong im lặng
Khắc khoải…
… đợi em về…

                             21/3/2015

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Thành phố của em



    Anh đã đến thăm thành phố của em
Đến với A-li-ô-sa trên đồi Chiến sĩ
Đến với sông Ma-rít-xa hùng vĩ
Ngắm mặt trời phương nam huy hoàng
    Nói với hôm nay là các Viện bảo tàng
Hát cho mai sau là tiếng cười con trẻ
Anh cứ ngỡ như mình còn bé
Giữa thành phố của em rộn rã tiếng cười
    Không có em trong những dòng người
Ngày hôm ấy cùng anh lên núi
Chủ nhật bình thường mà anh cũng vội
Thăm thành phố một ngày chẳng dám dừng lâu
    Thăm thành phố một ngày anh biết dừng đâu?
Mỗi góc phố, mỗi đường cây đều lạ
Không muốn hỏi thăm ai cả
Anh cứ đi, những con đường chưa quen
    Ước một lần ngắm thành phố vào đêm
Để cùng em xem nhạc mầu buổi tối
Ngày hôm ấy sẽ là ngày hội
Em dắt anh đi thăm thành phố tuyệt vời
    Bỗng nhớ nôn nao thành phố cuối trời
Căn gác nhỏ mẹ đi về sớm tối
Chiếc cầu thang nhà em có giàn hoa giấy
Đã lâu rồi vắng tiếng bước chân quen
   Vui với thành phố này đừng quên nghe em
Chỗ gạch bập bênh, để trên cằm vết sẹo
Bốn giờ sáng mẹ xếp hàng mua gạo
Khẩu súng ấm tay người canh thức đêm thâu…
    Không đủ lúa nuôi người ôi mảnh đất thương đau
Xương máu của cha ông đã thấm hồng mỗi tấc
Giao cho cháu con lưỡi gươm thần giết giặc
Có ngờ đâu gươm còn mãi trên tay
    Nơi đất lành thì níu cánh chim bay
Quê mẹ dẫu nghèo vẫn gọi về da diết
Hướng theo cánh chim Lạc Việt
Mà bay, ơi cánh chim Bằng
    Anh lại thầm mong được một lần
Đến thăm em ngày chủ nhật
Dẫu chưa phải là cái tên hay nhất
Anh vẫn gọi nơi này là Thành phố của em…

                                  Bun-ga-ri 5/1980

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Thương tiếc người bạn học

        Một người bạn học của tôi vừa ra đi vĩnh viễn ở tuổi lục tuần, không già, không trẻ. Anh ra đi có thanh thản không? Tôi nào biết được, nhưng chắc là đau đớn vì căn bệnh ung thư quái ác. Ngày 1 tháng 3 năm nay, tôi đang nằm viện không đến lễ tang anh được. Từ hôm đó, hình ảnh của anh, những tâm sự ngắn ngủi của anh, những trang viết của anh trên trang cá nhân cứ quay đi quay lại với tôi trong thao thức. Vâng, anh đã để lại trong lòng bạn bè một sự tiếc nuối về một cá nhân không bình thường, có những suy nghĩ không bình thường.
       Anh là Trịnh Văn Dung, cựu học sinh giỏi cấp 3 Duy Tiên, Hà Nam. Đây là lời một bạn học cấp 3 về anh: “ đặc biệt giỏi toán và là một học sinh cá biệt”. Nhiều người khác đều nhận xét anh là một người hiền lành, rất trung thực và tử tế.
      Tôi học đại học xây dựng cùng anh ở châu Âu. Chúng tôi đã phải có kết quả rất tốt cho 2 năm học đại cương để được học chuyên sâu về kết cấu công trình. Anh ít nói, không hay phô những gì mình biết, chỉ lặng lẽ nghiên cứu, tìm tòi và độc lập trong thế giới sáng tạo của riêng mình. Còn nhớ luận văn tốt nghiệp của anh là thiết kế kết cấu công trình ống khói lớn. Trong suốt thời gian tính toán số liệu, nhiều lần thấy anh tranh luận rất căng với thầy hướng dẫn. Anh đã không làm theo ý thầy, không sửa chữa những chỗ mà người hướng dẫn yêu cầu và đương nhiên, việc bảo vệ của anh trước hội đồng thi quốc gia gặp nhiều vướng mắc. Anh đã được công nhận tốt nghiệp với sự không hài lòng của thầy và nhiều câu hỏi khoa học của anh mà hội đồng cũng chưa giải thích được tường tận.
      Về nước, anh được phân công lên công trình thủy điện Sông Đà. Những năm khó khăn ấy của đất nước, chúng tôi hầu như mất liên lạc. Một người bạn chung cho tôi biết: anh gặp nhiều vướng mắc với lãnh đạo công ty do tính quá thẳng thắn. Rời Sông Đà về quê anh làm mấy năm nữa cho một công ty nhỏ ở địa phương rồi nghỉ hẳn. Con cái lớn dần, nhà bớt khó khăn hơn và anh bắt đầu đắm mình vào đam mê của riêng mình, một đam mê cũng không bình thường.
      Một lần gặp nhau, tôi hỏi: “bây giờ hàng ngày ông làm gì?”. Anh bảo: “nói các ông cũng không chắc đã hiểu”. “Nhưng là làm gì chứ?”.
     Anh bắt đầu cho tôi biết về tìm tòi của mình. Đó không phải là Thiên văn học, cũng không phải thuần túy cơ học lượng tử. Triết học được coi là nghiên cứu những quy luật chung nhất của mọi khoa học, nhưng nghiên cứu của anh cũng không phải là triết học. Anh cho biết đã tham gia nhóm tìm ra Hàm số tuần hoàn của vũ trụ (CFC – the Circulational Function of Cosmology) và hiện đang chứng minh sự đúng đắn của Hàm số này trong mọi lĩnh vực của tự nhiên, xã hội. Tham gia nhóm có khoảng 40 người đều là giáo sư, tiến sĩ hoặc nghiên cứu sinh ở các quốc gia khác nhau trên thế giới.
     Một người bình thường như tôi, thật tình không thể hiểu những điều anh nói. Đọc trong mạng của anh cũng chẳng hiểu gì. Nhưng tôi trân trọng cái đam mê của anh. Có lẽ anh không hợp với môi trường bình thường chăng?. Anh có thế giới của riêng anh. Đắm chìm trong những nghiên cứu của mình, anh cô đơn và thường là bị cô lập e cũng là điều dễ hiểu. Những lần gặp nhau ngắn ngủi, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của anh, hạnh phúc được tự do tìm hiểu những quy luật tổng quát nhất.
     Có người độc miệng bảo anh điên. Có lẽ họ cũng không sai lắm nếu so sánh với những người bình thường thì anh "điên" thật. Nhưng tôi kinh ngạc khi biết anh hoàn toàn tự học để sử dụng tiếng Anh trong nghiên cứu các tài liệu nước ngoài. Anh đã đọc “thiên kinh, vạn quyển” chứ không thì sao mà có nền tảng kiến thức đa ngành, để tranh luận với những người cùng chí hướng trên thế giới?
     Mấy hôm nay, nhớ đến anh, ngồi xem lại những trang anh viết, hoặc tranh luận với bạn bè khoa học biết rằng anh đang tìm mối liên hệ phổ quát của cái Hàm số “siêu đẳng” kia trong rất nhiều vấn đề của nhân loại. Đó là quan hệ Chiến tranh – Hòa bình; là quan hệ hàng hóa – tiền tệ. Anh mô tả sự tương tác giữa cơ học Galiley – Newton với Lorence – Einstein; nghiên cứu về các “hạt cơ bản”, các "phản hạt", về hố đen, về các dạng năng lượng và động cơ trong tương lai…Các đồng nghiệp trong nhóm của anh thảo luận rất sôi nổi, có nhiều nhận xét và phản biện kịp thời. Tôi đọc thấy tên những người Anh, Nhật, Ấn Độ, Pakistan, Bungari..và tôi cũng chẳng hiểu những nội dung mà họ đưa ra(!) 
     Nhưng căn bệnh quái ác đã cướp anh đi nhanh quá. Những người thân thiết với anh nào ai hiểu được những điều anh đang suy nghĩ tìm tòi?
     Là một bạn học của anh, nhưng tôi không thể chia sẻ những gì anh đam mê, chỉ biết xót thương anh, trân trọng anh với tư cách là một con người. Bởi anh sống tử tế, trung thực và chẳng làm hại đến ai. Anh đi tìm một thứ mà đa số mọi người quanh anh đều cho là hư vô, nhưng nó không uổng phí, có chăng chỉ là mấy đồng tiền còm của anh trả cho dịch vụ internet mà thôi. Người thiệt thòi nhất có lẽ là vợ anh khi chị đã ủng hộ anh (hay là chịu đựng anh) trong cái đam mê khác người ấy suốt những năm qua và sau những tháng ngày chăm sóc anh khi lâm bạo bệnh.
     Viết những dòng này để giải tỏa những ưu tư về anh trong suốt những ngày qua và cũng là thay một nén nhang tôi khấn anh trên đường về cõi vĩnh hằng. Nếu ai đọc bài này, muốn biết thêm về anh có thể tìm đến trang mạng về CFC – Hàm số tuần hoàn vũ trụ. Những bài viết của anh dưới tên Jung Vanchinh. Vĩnh biệt anh, người bạn học đặc biệt của tôi.
(Dưới đây là mấy hình ảnh về những thuật toán "kỳ quặc" của Jung Vanchinh)








Em hát đi em

Có người nào đang ở rất xa
Nhắc tên chăng mà tôi mất ngủ?
Mở nghe lại một bài hát cũ
Em hát đi em, sóng sánh biển chiều…

Cho tôi về ngày tháng cũ, phiêu diêu…