Nếu ở gần thì thế nào tôi cũng chạy qua để hầu rượu, nghe
thơ ông trong dịp này.
Mà dịp này, khi bà đi
vắng, chứ không phải là lúc khác.
Ông ở một mình, hẳn
thế, gẩy đàn, mình gẩy mình nghe. Hồi nào đọc trên trang thấy hình như ông biết
chơi đàn Măng đô lin hay sao ấy. Giờ ông chơi để thưởng thức những âm thanh do
mình tạo ra hay ông muốn xua cái vắng lặng?
Rồi ông bình thơ, nhặt
“câu được, câu chăng” cũng chỉ một mình. Ông lại ngồi nghĩ ngợi, chẳng buồn tênh, nhưng
chắc là có buồn vì vắng vẻ. Rồi thấy ông lụi cụi, đi ra, đi vào, xếp cái này, đặt
cái kia. Chắc phải xếp đi đặt lại nhiều lần thì mới “như ông xẩm” chứ nhỉ?
Nhưng đừng tưởng là ông cô độc nhé. Một mình mà không cô độc
vì ông có rượu, có nàng thơ. Tôi cam đoan là ông không chỉ một lần này như thế.
Ông vẫn sống chẳng đến nỗi nào khi vắng bà vì may trời phú cho ông chút “sợi tơ
trời” vương vấn từ thời trai trẻ. Nhân
gian cũng đã sáng tạo ra thứ nước cốt tinh túy của gạo cho tất cả và nhất là
cho những người thích thơ.
Song le, đọc đến cuối bài thì thấy thực là ông cố tỏ ra như
thế cho bà đỡ phiền lòng thôi, để bà còn yên tâm lo giúp con cháu trên Hà Nội. Thì
đây, bằng chứng là ông bảo ông “vẫn đình huỳnh”. Ối chà, ”đình huỳnh” thôi, chứ
không phải “đàng hoàng” đâu nhé. Có người có thể cãi: để gieo vần “uỳnh” cho hợp
vận toàn bài, chứ thế là “đàng hoàng” đấy. Tôi không tin như vậy. Ông già chơi
chữ nghĩa bao nhiêu năm, rút trong ống tay áo ra thì vần có xếp cả đống cũng
không hết. Tưởng tượng ông ngồi thanh thản, trước mặt có nậm và chén nhỏ, hai
tay hơi khuỳnh ra dù chỉ có một mình.
Tôi chưa đủ trải nghiệm hoàn cảnh tương tự nhưng chợt nhớ đến
chuyện bố mình, ông thợ rèn có tiếng trong vùng, thích uống rượu và hơi “gia
trưởng”. Là người kiếm tiền nuôi cả nhà, vì vậy có thể lúc nào đó ông thiếu tế
nhị trong đánh giá “công lênh” của bà mẹ tôi chăng. Một lần, trong bữa cơm, chẳng
hiểu các cụ lời qua tiếng lại thế nào, chiều hôm đó mẹ tôi khăn gói đi thăm con
gái cách nhà cả vài trăm cây số. Mọi công việc nội trợ chất hết lên đầu ông bố
vì chúng tôi còn phải đi học. Ba ngày đầu, mọi việc có vẻ ổn, nhưng rồi có hôm
tôi đi học về muộn thấy ông vừa ngủ gật vừa băm bèo nấu nồi cám lợn. Chỉ được 7
ngày, ông ra bưu điện gửi đi một dòng ngắn ngủi, ký tên tôi: “bố ốm, mẹ về ngay”.
Mẹ tôi tất tả về vào đúng buổi trưa, thấy ông đang ngồi khuỳnh khuỳnh uống rượu,
lại còn bảo: “bà về sớm thế, bố con tôi vẫn đàng hoàng”. Mẹ tôi mát mẻ: “Vâng,
lúc nào mà ông chẳng đàng hoàng, chỉ có thân tôi là khổ”.
Thế đấy, một gia đình
thiếu bàn tay người phụ nữ thì chán lắm. Dân gian còn có câu: “con nuôi cha
không bằng bà nuôi ông” kia mà. Với mọi nhà nhìn chung là vậy, huống hồ nhân vật
bà trong bài thơ trên kia đâu chỉ có lo “những việc không tên”. Bà còn là người
thưởng thơ, thưởng nhạc, “ai tri âm đó, mặn mà” cùng ông, thì bà đi vắng ông
đàng hoàng thế nào được?.
Nhân nói đến chuyện
tri âm, kể ra chuyện này cũng hơi xấu hổ. Năm ấy tôi về phép, vợ chồng son mới
được bố mẹ cho ra ở riêng ngoài xóm trại vắng vẻ. Buổi tối lên tận phố huyện mượn
được cây đàn ghi ta, quyết trổ tài với nàng một phen. Trăng thanh, gió mát,
nàng gội đầu xong đứng hong tóc góc sân, tôi mang đàn ra độc tấu bài tủ “sóng
sông Đa nuýp” học mót truyền tay của một cậu lính công tử người Hà Nội. Khua
xong cả bài, tôi háo hức hếch mặt lên chờ đợi. Nàng bảo: “Anh đánh đàn nghe cứ
ào ào như mưa ấy nhỉ” (!) thật hết biết. Thế là từ đó tôi chẳng bao giờ đụng đến
cây đàn.
Trở lại trên kia, tôi bảo thích hầu chuyện ông dịp này là bởi
ông có chơi đàn thì cũng chỉ một lúc, bình thơ mà không có người nghe cũng kém
hứng khởi. Mình là học trò, thích nghe, thích hỏi, lại cũng thích uống rượu, chắc
ông dễ mở lòng mở dạ. Nếu bà có nhà thì câu chuyện sẽ vui theo cách khác, nhưng
dễ gì được nghe những điều sâu lắng, trải nghiệm, gan ruột của Thầy?.
Bà đi ít hôm rồi bà lại về. Khoảng thời gian bà đi vắng, dù
ông vẫn rượu, vẫn thơ đấy, nhưng nó sẽ là một phiên bản khác để so sánh với lúc
có bà bên cạnh. Để rồi đôi bạn già ấy sống cuộc đời bình dị, thanh bạch, đáng
trân trọng trong mắt những người thân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét