Đó là một ngày
hội. Không, đó là những ngày hội mới đúng. Đối với các thế hệ thầy và trò trường
cấp 3 Chí Linh trước đây và Trung học phổ thông Chí Linh ngày nay thì đúng là
như vậy.
Cái thị xã miền
bán sơn địa này đã có những ngày sôi động và vô cùng đáng nhớ không chỉ với những
người làm thầy, những học trò. Mấy ngày lễ hội thực thụ đó là dành cho rất nhiều
người.
Dịp đầu năm,
các cựu học sinh Chí Linh tại Hà Nội đã đón đại diện của Trường để trao đổi về
chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 50 năm ngày thành lập. Hôm đó tôi đang nằm viện, bạn bè
í ới gọi qua điện thoại mà không đến được, thật tiếc. Nhưng cũng từ hôm ấy, trí
não bắt đầu già nua của tôi đã âm ỉ phục dựng lại một thời niên thiếu đói ăn mà
ham học gắn với Trường cấp 3 Chí Linh. Những hồi tưởng ấy cứ đến tự nhiên, cả
trong giấc ngủ, chẳng cần đợi tôi cố sức làm gì, cứ từng lúc, từng lúc ẩn hiện,
đưa tôi về với những năm tháng ấy, với những bồi hồi, xốn xang như lúc tuổi mười
lăm...
Thế là nảy sinh
nhu cầu tìm bạn cũ. Đâu rồi những bạn trai bạn gái ở cái lớp 8C và 9C của tôi.
Từng ấy năm chưa gặp lại, giờ các bạn ở đâu?
Tôi vào lớp 8
năm 1969, sau một năm ở nhà quai búa, thổi bễ lò rèn cùng bố. Cái năm thất học ấy
chỉ làm tôi học chậm lại chứ không thể làm mất đi cái ham học của một cậu bé
nhà nghèo. Niên học 68-69 trước đó, trường cấp 3 chỉ xét tuyển theo hồ sơ chứ
không thi tuyển. Tôi bị loại vì không đủ tiêu chí. Chính thức thì là do tôi thi
tốt nghiệp cấp 2 với môn văn bị điểm liệt, trong khi 3 môn còn lại đều đạt điểm
cao nhất, và tôi được xét vớt tốt nghiệp. Thế thì không được tuyển vào cấp 3 là
đúng quá còn gì. Cái cảm giác ấm ức và tủi hổ như một nỗi đau trong ngày công bố
kết quả ở sân trường cấp 2 Tân Dân còn mãi đến giờ, khi cô Hiệu Phó đọc danh
sách từng học sinh với giọng đều đều, đến tên tôi, bỗng giọng cô cao hẳn lên, gằn
tách từng tiếng, chậm rãi: “Đỗ Văn Nghị, lớp 7A, vớt đợt 1”. Học sinh giỏi toàn
diện của trường 3 năm liền, học sinh giỏi văn cấp tỉnh Hải Hưng còn ghi trong học
bạ kia, sao lại trượt môn văn? Chắc là lạc đề, bạn bè an ủi tôi thế. Rồi cũng
chẳng có phúc khảo, phúc tra gì nên tất cả chỉ là dự đoán thế thôi.
Cái cú trượt ấy
có lẽ là thử thách lớn nhất đầu tiên trong cuộc đời và nó hình như lại càng
thôi thúc sự thèm khát học hành chăng? Năm sau, tôi đã dự thi và đỗ thẳng vào
trường mà chẳng có nhiều ngày tự ôn lại bài vở. Cổng trường cấp 3 đã mở ra với
cậu bé con nhà lò rèn như thế thì làm sao mà không sung sướng cho được?
Ngày tựu trường
đầy háo hức của tôi là một ngày đặc biệt, mùng 4 tháng 9 năm 1969. Bố đánh thức
tôi dậy từ lúc 4 giờ sáng. Mẹ tôi phá lệ, nấu hẳn một niêu cơm nếp vào một ngày
thường. Chưa đến 5 giờ sáng, với gói cơm nếp mẹ trao, tôi rời nhà cuốc bộ vào
xóm Đồi Thông, cái địa chỉ mà ngày hôm qua khi nhắc đến, nhiều người đã rơi nước
mắt.
Chẳng có ai
quen biết, tôi một mình ngơ ngác trên khoảng sân lớn trước dãy nhà lá của trường
nằm bên chân đồi. Khoảng chừng hơn 7 giờ thấy một đoàn các thầy cô từ trong
phía xóm đi ra, dẫn đầu là người mà sau đó tôi biết là thầy Hiệu trưởng Nguyễn
Văn Hải. Trên cánh tay mọi người đều có dải băng đen. Chúng tôi nhốn nháo sắp
hàng theo lớp. Thầy Hải cất giọng nghẹn ngào: “Các em thân mến, Bác Hồ kính yêu
của chúng ta đã mất”. Cả sân trường im lặng như tờ, giọng thầy lạc đi, trĩu nặng.
Đầu tôi cũng như u mê, chỉ còn nhớ là hôm đó chúng tôi được phổ biến ngắn gọn về
để tang Bác và giải tán. Khi về đến phố Thiên, tiếng nhạc hồn tử sĩ từ radio
nhà ai đó vọng ra, nghe thật não nề. Ngày đầu tiên vào trường là ngày nghe thông
báo Bác mất, làm sao tôi quên được.
Học kỳ đầu tiên
chúng tôi, lớp 8C, học ở Đồi Thông như thế, để rồi đầu học kỳ 2 trường chuyển
lên vị trí hiện nay ở Sao Đỏ, với những dãy nhà tranh, vách đất giữa rừng bạch
đàn mới vài năm tuổi khẳng khiu. Cái nếp quen thuộc ngày ấy là học buổi sáng, một
số buổi chiều thì lao động lấy cát hoặc đá ở con suối cạn mang về xây dựng trường.
Có những buổi trưa, theo các bạn lên mấy quả đồi hái sim. Có lần còn mò vào tận
chùa Hun chơi, lúc về ngang rừng dọc, vặt mấy quả gần chín ăn với nhau. Lúc gặp
mấy chú dân quân bị khám túi, tuy mấy quả định đem về cho bạn đã kịp vứt đi,
nhưng họ bắt nhe răng ra, thằng nào bám nhựa vàng là được thưởng cho một cái bớp
tai đến hoa cả mắt.
Trước dịp lễ kỉ
niệm vài ngày, tôi lại lăn đùng ra ốm. Trời lạnh quá, lại có gió và mưa phùn,
thế là cảm lạnh, thế là ho. Hai ngày co ro trong chăn với đủ mọi cố gắng điều
trị cấp tốc của bác sĩ “vợ”, may sao đến chiều 16 mồ hôi vã ra như tắm, đầu nhẹ
hẳn. Tôi lau người bằng nước ấm, đánh được bát cơm chan canh và thêm vài viên
thuốc nên sáng 17 kịp theo các bạn ở Hà Nội nhằm hướng Chí Linh thẳng tiến. Ở đấy
có nhiều người đang đợi chúng tôi. Cái háo hức thật khó tả bằng lời.
Tại khách sạn
Sao Đỏ, nhóm chúng tôi từ Hà Nội về cùng mấy bạn từ trong Nam ra vừa kết thúc một
cuộc gặp gỡ thì mấy xe to kềnh càng vào sân và rất nhiều người xuống sảnh. Thì
ra, xe của Ban tổ chức đón các thầy cô ở Hà Nội, Hải Dương về dự ngày hội trường.
Tuyệt vời thế, chúng tôi thành những người đầu tiên cùng Ban tổ chức đón các thầy
cô. Thầy Nguyễn Văn Hải kia rồi, mái đầu bạc trắng, nước da vẫn hồng hào, đi
ngay sau là cô Điểu, thầy Thịnh và nhiều người khác mà tôi chưa kịp nhận ra.
Đám học trò giờ cũng đầu điểm bạc ùa ra, tay bắt mặt mừng, rối rít, nhiều người
ôm lấy các thầy cô giọng cứ nghẹn đi, thầy ơi, cô ơi, thầy ơi, cô ơi, ồn ào, gấp
gáp. Rồi mọi người cứ đứng hết cả ở gian sảnh mà hỏi chuyện nhau, mà nhớ ra
nhau. Ban tổ chức thật vất vả sắp xếp chỗ ăn nghỉ trong khung cảnh náo nhiệt ấy.
Gần 50 năm, bụi thời gian làm già nua gương mặt. Thầy cô không nhận ra đúng tên
nhiều trò cũng là lẽ thường tình, mà ngay cả học trò một số người cũng ngỡ
ngàng và tự trách mình sao chưa nhận ra tên một thầy cô nào đó. Tôi chỉ nhận ra
Thầy Hải, cô Điểu, thầy Thịnh, cô Tú. Hỏi một bạn đứng bên mới biết thầy Vĩnh
đang đứng trong nhóm mấy học trò. Tôi chạy đến, cúi đầu chào thầy bằng tiếng
Nga. Ôi cái ông giáo chỉ dạy tôi có một năm ấy, đã gieo vào tôi tình yêu tiếng
Nga sâu sắc đến thế và có thể nói không ngoa rằng chính tình yêu tiếng Nga đã
làm thay đổi cuộc đời tôi về sau.
Cô Tú thì đã về
trước mấy chục phút, giờ cũng cùng thầy Thịnh, thầy Tuân, cô Song Thu và các thầy
cô khác vào Trường dự Giao lưu cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Đám học trò tản
ra, đứa theo lớp đi liên hoan, đứa vào khu trại dành cho từng khóa tìm bạn, cứ
lang thang hết chỗ này chỗ khác trong sân trường.
Đúng là ngày hội
thật, chiều 17 đã rất vui. Các cháu học sinh ở sân chung trước các trại chơi
ném còn, nhiều nhóm con trai con gái đá cầu, trêu đùa nhau ầm ĩ. Cứ có khách
vào trại mình là chúng lại ùa về như đàn chim tíu tít hỏi han, mời uống nước, mời
ăn trái cây và lấy điện thoại ra xin chụp ảnh thật đáng yêu.
Tự dưng tôi muốn
một mình lúc này. Có cái gì đó dào dạt trong tôi không muốn bị ảnh hưởng bởi
người khác. Lặng lẽ rời mấy đứa bạn thân, tôi đi thật chậm, từng bước, từng bước
một trên sân trường. Cái ồn ào vẫn náo nhiệt xung quanh, nhưng trong tôi lại có
một sự yên lặng đến kỳ lạ. Thỉnh thoảng, giống như trong một căn phòng đóng
kín, cánh cửa sổ mở ra, tiếng ồn ngoài phố ùa vào. Cánh cửa sổ khép lại, âm
thanh tự dưng biến mất. Tôi đang giữa sân trường náo nhiệt mà lòng yên tĩnh đến
thế, chỉ thấy những hình người đang đi, các cháu học sinh đang chạy nhẩy, chen
nhau chụp ảnh mà không có tiếng động, lạ thế. Đây rồi, cây xà cừ đã 45 năm tuổi
sừng sững trên sân trường, vươn tán lá che kín cả một khoảng sân rộng. Nghe nói
nó được trồng vào cuối tháng 5, đúng ngày bế giảng khóa 68-71. Mấy cây phượng
đã được dời đi chỉ còn cây xà cừ này được giữ. Giá có cách gì để hiểu được ngôn
ngữ của cây, để tôi hỏi cây đã chứng kiến gì suốt 45 năm ấy? Để hỏi cây có còn
giữ được hình ảnh về cái lớp 9C của tôi với Bí thư chi đoàn Xuân, với đám học
trò Tân Dân, An Lạc, Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Hưng Đạo. Để tôi hỏi cây về người bạn
gái mà tôi thầm yêu vụng nhớ ngày ấy... giờ này em đang ở đâu?...
Chiều muộn tôi
trở về Hà Nội. Tự nhủ, ngày mai tôi sẽ mặc bộ quân phục mới nhất đã treo trong
tủ từ hai năm nay. Với một lễ trọng như thế này tôi muốn mặc lại bộ quân phục
đã gắn bó cả cuộc đời tôi từ ngày nhập ngũ năm cuối lớp 9. Cái ngày mà tôi nhớ
như in ấy là 12/5/1971. Buổi chiều, cả lớp
9C đã đến nhà tôi ở Ngã tư Giang, xã Tân Dân để tiễn biệt người lớp trưởng của
mình ra trận. Các bạn về rồi mà vẫn còn mấy bạn gái ở lại cả buổi tối và chúng
tôi cứ xoắn lấy nhau nói đủ mọi chuyện cho tới đêm khuya. Sáng hôm sau, tôi lên
đường, mấy bạn đi học qua còn ghé vào chào tôi lần nữa: “đi nhé, chân cứng đá mềm,
lập chiến công nhé, nhớ viết thư về”. Vâng, tôi đã vào miền Nam chiến đấu với lời
nhắn nhủ ấy và một lá thư chung về cho cả lớp 9C. Tôi còn quá ngây thơ và vô tư
để không biết rằng có người bạn gái đã mỏi mòn chờ thư riêng của tôi. Còn chiến
công ư? Tôi chẳng lập được chiến tích gì đặc biệt, có chăng chỉ là đã vượt qua
lửa đạn, gian khổ, ác liệt, làm tròn bổn phận một người lính ở ngoài mặt trận
và sống sót trở về. Tôi muốn mặc bộ quân phục để các bạn cũ dễ nhận ra tôi và
cũng để tôi báo cáo với cả lớp: “Lớp trưởng đã hoàn thành nhiệm vụ của người
lính trong suốt 44 năm và hôm nay, ngày hội của mái trường thân yêu, lớp trưởng
9C có mặt ở đây cùng các bạn”.
Sáng 18 về rất
sớm. Thời tiết thật đẹp. Giữa mùa đông mà trời trong sáng, không lạnh. Hay là
ông bạn tôi, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn có bùa phép gì
đây mà buổi sớm trong lành đến thế. Chúng tôi trêu đùa nhau trên xe, cứ mày
mày, tao tao như thuở nào. Vị tiến sĩ khai khoa trường cấp 3 Chí Linh là người
có xe cho chúng tôi đi cùng hôm nay diện một bộ comple mầu tối như chính khách.
Mà nó là một chính khách chứ còn gì. Bao năm đứng đầu một ngành quan trọng thế
của đất nước, thường xuyên làm việc với lãnh đạo đất nước và các chính khách quốc
tế cơ mà. Ông bạn lính xe tăng chính hiệu của tôi thì diện bộ xám nhạt rất nhã,
khác hẳn với cái áo khoác và quần vải thô “bụi bụi” thường ngày. Hóa ra không
ai bảo ai, chúng tôi đều mặc thật đẹp. Suốt chặng đường dài, những câu chuyện về
thời học sinh cứ quay đi quay lại giữa chúng tôi. Về đến Sao Đỏ dù còn sớm trước
giờ, nhưng bạn bè các khóa đã réo trên điện thoại. Thế là bỏ cả ăn sáng, ba thằng
hòa vào dòng người nườm nượp đổ vào cổng chính trang hoàng rực rỡ cờ hoa.
Buổi mít tinh với
lễ nghi giống như nhiều hoạt động tương tự ở các nơi khác, nhưng có mấy điểm thật
đáng kể. Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền từ cấp tỉnh trở xuống rất
rõ nét khi Bí thư tỉnh ủy Hải Dương có mặt cùng các lãnh đạo khác của tỉnh và
các ban, ngành. Với thị xã thì tất cả lãnh đạo đều ở đây. Sau lễ đón nhận Huân
chương lao động hạng nhì, đ/c Bí thư tỉnh ủy đã đọc diễn văn chúc mừng. Phần cuối,
ông không đọc trong văn bản nữa mà nói vo. Khi không còn lệ thuộc vào văn bản,
ông mới diễn đạt trôi chảy được hết ý kiến của mình và rất thuyết phục. Ông
cũng giao nhiệm vụ cho thầy trò Chí Linh phải phấn đấu lọt vào nhóm 3 trường mạnh
nhất tỉnh. Tôi rất ấn tượng với phát biểu cảm tưởng của thầy Hải thay mặt các
thế hệ giáo viên, khi ông nhắc tới những người thầy đã mất trong chiến tranh,
khi ông kể về một người thầy đã đứng trong đội ngũ cùng một học trò của mình
chiến đấu trên chiến trường Lào. Mắt tôi đã rưng rưng lệ khi ông nhắc đến sự
đùm bọc và yêu thương của chính quyền và bà con nhân dân Đồi Thông dành cho nhà
trường những năm đầu thiếu thốn.
Sau buổi mít
tinh và liên hoan nhẹ, tôi bổ xuống trại của khóa 69-72 tìm bạn. Các cháu cho
biết mọi người đã ra nhà hàng Hoa Lượng cách đó không xa. Tôi đã thấy một nhóm
hơn chục người ở cái tầm tuổi lứa chúng tôi đang quây quần bên nhau ở một góc
nhà hàng. Hóa ra, đó đúng là các bạn khóa tôi đang tìm. Nhìn qua một lượt tôi
không nhận ra ai và cũng chưa ai nhận ra tôi. Đành phải tự giới thiệu và được
các bạn tiếp nhận rất nhiệt tình. Thì ra đó là mấy bạn ở các lớp A, B và D.
Không có ai ở lớp C cả. Tôi hơi bị hẫng. Thế là tôi vẫn chưa biết tin tức về bất
cứ ai ở lớp C trừ mấy người cùng xã nhưng hôm nay cũng không có mặt. Chỉ một
loáng, những rụt rè ban đầu qua nhanh, chúng tôi đã dần dần nhớ ra nhau. Đã 45
năm kể từ ngày tôi ra đi giờ mới gặp lại, chúng tôi chẳng dễ gì nhận được ra
nhau nhưng những kỉ niệm chung về học hành, thể thao văn nghệ thì mọi người đều
nhớ và chúng được nhắc lại một cách hào hứng suốt buổi chúng tôi bên nhau. Từ
đây, tôi đã có một địa chỉ để đi về. Đây sẽ là điểm cầu để tôi tìm thêm các bạn
lớp C của tôi.
Trên xe về Hà Nội,
những câu chuyện vẫn còn rôm rả lắm. Ông bạn lính xe tăng ngả người trên ghế
kéo bễ khò khò. Tưởng hắn ngủ hóa ra vừa ngủ vừa nghe, chốc chốc lại đế vào mấy
câu rồi lại khò tiếp. Chúng tôi đã thực sự sống lại những năm tháng tuổi thiếu
niên. Những ngày hội này sẽ là một nguồn năng lượng tiếp thêm cho chúng tôi sức
sống mới, gắn bó hơn với nhau, gắn bó hơn với cội nguồn gốc rễ của mình, với
nơi mà từ đó chúng tôi ra đi, thành người tử tế như hôm nay.
Kỉ niệm 50 năm
trường PTTH Chí Linh đúng là những ngày lễ hội trong tôi và sẽ theo tôi rất nhiều
năm nữa. Tôi sẽ kể cho con và cháu tôi nghe nhiều nữa về mái trường thân yêu
này của tôi, Trường cấp 3 Chí Linh, cái tên gắn với thời niên thiếu của tôi./.
ngày 19/12/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét