Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Tháng tới anh về

Không đếm tháng, đếm ngày
Như hồi còn đi học
Mà xếp ra từng việc
Những việc đã làm xong
Biết là em chờ mong
Tháng ngày sao dài thế
Cửa nhà sao quạnh quẽ
Môi ai vắng nụ cười
Cách xa sắp qua rồi
Nhớ thương dồn nén mãi
Sao Thời gian dừng lại?
Hãy quay đi, Thời gian
Quay nhanh nữa, nhanh hơn
Tháng sau thì chậm nhé
Cho ngày dài thêm nữa
Và đêm hãy dài hơn
Cho tôi uống tình em
Từng giọt, từng giọt một
Môi em nồng vì ngọt
Dẫu qua nhiều đắng cay
Cho tôi nâng bàn tay
Của nhọc nhằn lam lũ
Cho tôi ru em ngủ
Dẫu lời ru vụng về,,,
     Mùa thu chưa kịp về
Mùa hạ vừa quay gót
Đứng ở giữa thời gian
Ngập ngừng chân ngại bước...

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Khúc hát ngày hè


    Anh bỗng nhớ về đất nước
Khi bầu trời châu Âu không một cánh diều
Khi không gian vắng tiếng ve kêu
Những trưa nồng nắng hạ
Không có những cánh đồng phơi gốc rạ
Cho anh đi bắt ốc sớm tinh mơ lúc chưa mọc mặt trời
Những con ốc to gần bằng nắm tay người
Nuôi một niềm vui tìm kiếm
Đôi cẳng chân đen, chiếc giỏ tre lủng liểng
Anh đã lội đi khắp mấy cánh đồng
     Rồi lớn lên đi khắp những khu rừng
Của Trường Sơn hai mùa mưa nắng
Đi dưới những cánh rừng chết trắng
Giữa mùa hè thèm một bóng mây che
Những con đường anh đã đi qua
Những kỉ niệm suốt một thời trai trẻ
Theo anh mãi với cuộc đời mới mẻ
Chẳng bao giờ anh quên…

    Anh bỗng nhớ em
Giữa gương mặt những người thân thuộc
Cô bạn học cùng bàn thuở trước
Có cái bút chì cả lớp dùng chung
Bọn con trai mỗi lúc dùng xong
Cứ đòi em đến tận nơi mới trả
Anh ghen tị với từng thằng bọn nó
Để ngày nào cũng mượn bút của em
Những ngày sơ tán học đêm
Đèn em tắt nhiều bàn tay châm hộ thế
Anh đã sống những ngày vui, buồn lặng lẽ
Bởi em đẹp nhất làng trong mắt bọn con trai
    Rồi anh đi tháng rộng, năm dài
Khẩu súng, chiếc ba lô, những nẻo rừng đất lạ
Những Tha mé, Tà roong, Sê xụ
Cùng bao người trai trẻ chúng anh đi
Cho đến ngày đất nước rợp cờ hoa…
                         
     Chào đồng đội, chào núi rừng Đắc Lắc
Súng gửi lại cho những người giữ đất
Anh trở về mùa nước lớn quê ta
Nước ngập đồng gần, nước trắng đồng xa
Ngày hai buổi dầm mình trong đất ướt
Bao mẫu lúa đã qua tay em vớt
Cái no đói của làng trong thân lúa mỏng manh
Bốn năm rồi em đã đợi anh
Chẳng lẽ mười ngày anh vội
Chờ cho lúa xanh đồng anh mới hỏi
Có dám cùng anh đi khắp đất trời
Mà sao chỉ thấy em cười
Mắt em lấp lánh sắc trời mùa Thu…

    Con bỗng nhớ mẹ cha
Dáng mẹ dịu hiền, dáng cha khắc khổ
Lo cho con bữa ăn còn chưa đủ
Vẫn dạy con lẽ sống ở đời:
Trước người khổ đau, chớ có mỉm cười
Thấy kẻ nghèo hèn, đừng nên khinh bạc
Thấy người giầu sang, cũng đừng vồ vập
Mỗi con người đều có một nét hay
Học ở người con sẽ lớn từng ngày…
    Đời cha khổ
Mười ba tuổi đã đi ở đợ
Quanh năm cởi trần, roi vọt quanh năm
Bắc Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn
Cha đã sống những tháng năm cơ khổ
Mẹ không đi ở đợ
Nhưng đời mẹ buồn, không có tuổi thanh xuân...
      Ngày con đi, mẹ cha tiễn đến bên sông
Thuyền rời bến vẫn còn đứng đó
Bóng như tạc lên sắc trời ráng đỏ
Sông Bến Vạn, chiều 13 tháng 5
       Con đã qua cái tuổi mười lăm
Dại dột, lỗi lầm phiền lòng cha mẹ
Đã qua tuổi hai mươi người lính trẻ
Được thưởng huân chương vội gửi tin về
Đã qua tuổi hăm ba giữa một ngày hè
Mẹ cha đón con dâu trong tiếng pháo
Và trưa nay, giữa trời Âu nắng tràn vườn táo
Con sang tuổi ba mươi
Những ngày hè cứ cháy mãi không thôi…

     Nỗi nhớ vẫn khôn nguôi
Chập chờn bom đạn
Bỗng nhớ về bè bạn
Những năm đất nước chiến tranh
Thằng Khoát cao lênh khênh
Tao vẫn gọi đùa mày là thằng Khoác
Dạo ở Xê Băng Hiêng sốt rét
Mày vét cho tao những thìa sữa cuối cùng
Dứt loạt Bê năm hai đánh giữa đội hình
Vẫn quờ đầu tao hỏi còn hay mất
Sống với bạn vô tư chân thật
Bây giờ về nghèo túng thế Khoát ơi…
     Thằng Tình ở Văn Giai
Tính nết chịu thương chịu khó
Có tài câu cá
Hay hờn hay dỗi như đứa trẻ con
Lúc bị thương
Chỉ sợ chết không có ai nuôi mẹ
Trận lũ quét ở ngầm Tha Mé
Một mình cứu mấy thương binh…
     Nhớ bạn cùng làng Thảo (Thơm)
To cao nhất xã
Hành quân đường dài, ba lô của tao mày mang cả
Mắc võng giữa rừng, bao giờ cũng chung tăng
Hết chiến dịch 14 ngày hành quân
Sốt li bì, tao bám mày cố bước
Rồi cái đêm tao cắt sốt
Mày ra bờ suối tìm rau
Có tìm được cái gì nhiều đâu
Nắm rêu đá mang ống bơ để luộc
Mà kỳ lạ, mạnh hơn cả thuốc
Tao khỏe người, đâu phải chỉ vì rau
Mà bây giờ ở đâu, ở đâu?
Sao đang học lại bỏ về làm ruộng?
“Cứu cả nhà”, ừ, công mày đâu uổng
Nhưng giờ nghe nói đã vào Nam…
     Nhớ Chiến, nhớ Thọ, nhớ Sơn
Nhớ Tuân, nhớ Quốc
Hãy thắp một nén hương cho thằng Bồng đã mất
Chết mà không tìm được xác Bồng ơi
Đã hơn một lần phải để nước mắt rơi
Đắp cho bạn thêm vài xẻng đất
Hôm nay kẻ còn, người mất
Ngoảnh lại đã mười năm
Vẫn không thôi giọt nước mắt thương thầm…
                                            Xô-phi-a 9/1984



Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Cảm tưởng đầu tiên khi đọc Mùa quả muộn


     Ít có tập thơ nào mà tôi đọc liền một mạch như Mùa quả muộn. Bây giờ có nhiều người in sách lắm, nhất là sách thơ. Khác với khi xem các thể loại văn chương, cách tôi đọc thơ rất lạ, chỉ cần vài bài giở ngẫu nhiên mà không rung động thì có cố cũng không đọc được nữa. Thế mới khâm phục những người làm biên tập, thích hay không cũng phải đọc cho hết chứ không thể như người thưởng thức. Nhưng cuốn ‘Mùa quả muộn’ thì khác.
     Đọc đến bài thứ tư “Phố đêm”, tôi phải trở lại bài thứ nhất “Gọi em” và đọc lại. Chợt thấy sởn cả gai ốc. Lâu lắm rồi mới thấy một cảm giác như vậy. Một niềm thương cảm dâng lên trong lòng khiến sống mũi cay cay. ‘Gọi em’ là tiếng gọi gần như vô vọng. Hình dung người đàn ông không giấu nổi nỗi buồn và cất tiếng gọi, gửi vào đó tiếng lòng mình. Khung cảnh quanh nhà với hàng ổi, hàng doi, ao cá quen thân; nhìn mấy đứa con ngây thơ chạy nhẩy, vô tư líu lô, có lúc nào chúng nhắc hay đòi mẹ không nhỉ. Tất cả làm cho nỗi nhớ thương càng cháy bỏng. Niềm thương nhớ ấy gắn với một nỗi lo lắng thực sự hiện hữu: Xã bên, huyện bên, tỉnh bên, trên đài, trên báo có nhiều chuyện buồn và thương tâm lắm. Cùng cực kiếm sống, đã không ít người lỡ bước sa chân, không dính vào hàng cấm thì có khi cũng tha phương ở nước người. Thế là lo lắng, đêm đêm “giấc ngủ chập chờn”. Rồi chẳng làm gì được, có khi là không có tin tức gì về người vợ đang xa, chỉ biết mong “em ơi về ở cùng anh”. Câu thơ được nhắc đi nhắc lại như một lời thổn thức, cứ mong thế, cứ gọi thế. Người đàn ông tin rằng lời gọi ở tận cùng thương cảm của mình sẽ đến được người ở xa. Chẳng biết chị có nghe thấy chăng, và nghe thì có quyết bỏ hết mọi việc mà về chăng, nhưng người đọc, dù không trong cảnh ấy mà cũng rùng mình khi đọc câu thơ đứt ruột kia.
     Gọi đấy mà cũng là tâm sự đấy: em mà có làm sao thì anh bơ vơ lắm. Người đàn ông gần như cả đời chỉ gắn với chữ nghĩa, mà chữ nghĩa thực sự thì chuyện áo cơm không phải chuyện đùa(!), rồi đây “lấy gì nuôi được con thơ”, và cả bản thân anh nữa, cậy nhờ ai hôm sớm?.
     Gọi đấy mà cũng là lời hứa đấy: Anh vẫn đợi chờ em, cả cái không gian này “bốn mùa gió trăng” vẫn đang đợi em, dù nghèo khó rồi “nợ nần trang trải dần lâu cũng mòn”, em cứ về đây dù “vơi bát cơm ăn” nhưng sẽ vui trong cảnh thanh bần.
     Gọi đấy mà cũng để nhắn gửi “cầu cho em được bình yên”. Chỉ cần thế thôi, tiền bạc lúc này không quan trọng nữa, chỉ cần không có chuyện gì xẩy ra với em thì đã là một hạnh phúc. Nhân gian đã nói từ đời nào: “còn người, còn của”, “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”…
      Và trên tất cả là mong mỏi một tương lai sum vầy, trong mùa xuân của trời đất cũng là mùa xuân lòng người khi đoàn tụ, cùng chung nâng cốc rượu đầy, anh vẫn như ngày nào, la đà say men nồng tình yêu bởi em má đỏ ửng hạnh phúc. Tiếng gọi khẳng định một tương lai quyết không chia xa một lần nữa cho tới lúc rời khỏi cuộc đời với câu kết “trăm năm ta sống một nhà bên nhau”.
Bài ‘gọi em’ phải đặt cạnh bài ‘phố đêm’ mới thấy hết bức tranh đời thường cảm động ấy. Từ khi gọi đến lúc này đã 4 năm (1990-1994), không ai biết những gì đã xẩy ra trong thời gian đã qua. Nhưng giờ người vợ đã về ở cùng chồng con và đang lo toan cuộc sống thường ngày với một “gánh hàng”.          Bà vợ ông Tú Xương ngày trước cũng “quanh năm buôn bán ở mom sông”, cũng “lặn lội thân cò khi quãng vắng”. Nhưng bà vợ trong bài thơ ‘phố đêm’ thì đích thị là “con cò mà đi ăn đêm” rồi. Những cái đêm của huyện lỵ vùng bán sơn địa kia nào có nhộn nhịp gì cho cam. Dám chắc là ít người qua lại, ít người mua, “người thưa” thớt lắm và “em ngồi bán ổi bán na”. Mấy món quà quê quen thuộc ấy lại bán ở cái nơi cũng là đồng đất quê mùa, nào có thiếu gì những cây ổi, cây na trong các nhà nửa phố, nửa quê. Thế đủ biết là gánh hàng chắc chỉ vài đồng vốn còm, hoặc là người đàn bà này mang trái cây vườn nhà mình bán lẻ để kiếm được hơn một vài đồng, thay vì bán cả vườn cho người ta vào hái quả.
      Nhưng cái gánh hàng còm cõi là cả một cơ nghiệp để lo chuyện áo cơm kia đấy. Vì người chồng tài hoa cặm cụi đọc, cặm cụi viết, cặm cụi dịch như là cái nghiệp đã vướng vào thân chứ phải đâu là nghề chữ nghĩa kiếm tiền. Anh bảo “thơ anh chỉ đổi được tràng vỗ tay”, là so với cái hiện thực lo bữa ăn hàng ngày từ cái “gánh hàng” của em thôi, chứ người đời đọc những gì anh viết không thể nghĩ như vậy. Không nghĩ như vậy, nhưng cũng mới chỉ có những “tràng vỗ tay” thật. Thơ viết ra, đọc cho bạn bè nghe, cho học trò nghe thì khen, nhưng phải bỏ thêm tiền ra mua chính thơ mình để tặng cho đủ những người cần tặng. Thế thì so làm sao được với “gánh hàng” của em. Cái cách nói này là đề cao công lao người vợ lắm. Người vợ nào không sung sướng khi được chồng biết đến cái công lênh ấy.
    Đọc bài ‘phố đêm’, không còn cái bi ai của ‘gọi em’ nữa. Giờ thì tác giả đã nhận thấy “thoáng bay hương đồng”, đã thấy “bầu trời cao tít” và cơ man nào là sao trong cái dải Ngân Hà kia. Tôi phải đọc đi đọc lại câu “bóng em nhỏ tối như là chấm đêm”. Đúng rồi, chấm đêm, chấm đêm. Một từ không thông dụng, chưa thấy mấy người dùng. Ô hay, cả cái vũ trụ này, cả cái dải Ngân hà kia, cả cái không gian huyện lỵ về đêm kia đã đọng lại, tập trung lại một điểm thôi, trong con mắt người viết (đang đi tìm vợ mà), chỉ là một điểm thôi. Người viết này giỏi cả toán nữa, một điểm, một chấm thôi, nhỏ lắm, nhưng thiêng liêng lắm, là một thành tố khó định nghĩa trong toán học và người ta hiểu với nhau nó là tiên đề, nó có sẵn, không chứng mình được. Thấy chưa, một niềm vui vỡ òa trong anh khi nhìn thấy “chấm đêm” ấy. Ai đã đi tìm người thân trong đám đông, trong không gian rộng lớn lại không có cảm giác đó. Có mà không nói ra được, thì đây, ông Tuân nói hộ đây rồi: một “chấm đêm”, nhưng là cả vũ trụ, phải không? Giờ thì trong tôi đã có thêm một từ mới “chấm đêm”, nó gắn với một người phụ nữ gian khổ, nhọc nhằn lo cho chồng con có được một bữa ăn, một tấm áo mới. “chấm đêm”, tôi yêu và xin cúi đầu trước những “chấm đêm” ấy.

     Phần lục bát có nhiều bài hay. Nhưng với tôi, hai bài ‘gọi em’ và ‘phố đêm’ là điển hình nhất. Mùa quả muộn không phải mạnh ở phần lục bát, phần thơ thất ngôn bát cú đặc sắc hơn nhiều. Nhưng giờ chưa phải là lúc nói đến phần đó. Dừng lại ở phần lục bát, nếu làm biên tập, tôi sẽ bỏ một số bài, vì nó làm loãng cái hồn người viết. Nhưng đó là “nếu”. Tôi vẫn có trong tay cả một tập thơ với bao tâm tình, mời gọi sẻ chia. Hiểu được một phần trong đó, nhất là phần thơ kiểu cổ cũng là hạnh phúc lắm thay./.

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

hỏi bà


Bà còn vất vả bà ơi
Các cháu thì bé còn tôi thì già
Hôm nay sinh nhật tặng hoa
Mong bà càng khỏe cả nhà đều vui
Thương bà - thương miệng, thương môi
Giúp bà lo cái thân tôi là cùng
Chưa phong Bà mẹ anh hùng
Là chưa tỏ hết tấm lòng tri ân
Chờ cho Quốc hội bầu xong
Tôi vào Quốc hội tấn phong cho bà(!)

Cháu Thỏ với cháu Lu Na
Đứa nào cũng muốn có bà ở bên
Nhí nhăng là cái thằng Nem
Nó nào đã biết nhường em đâu nào
Tiếng Anh tiếng Việt lộn nhào
Bà nghe chẳng hiểu, nó gào nó la
Một cháu, giờ đã là ba
Bế bồng e lúc tay bà còn đau
Quản gì nhọc đến mình đâu
Bà lo, tôi cũng theo sau phụ bà
Mong con, mong cháu đầy nhà
“Cháu yêu bà lắm”
                           hỏi bà 
                                      "sướng chưa"?
                                           18/10/2015



Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Đi xe buýt



Vừa làm một “cuốc” xe buýt ngang qua Hà Nội. Ngày mùa thu rất đặc trưng với nắng vàng và gió nhẹ, với lá khô rụng xao xác trên hè. Lòng thanh thản và thêm yêu cuộc sống.
Chẳng là hôm nay có cuộc họp mặt những người cũ của cơ quan cũ. Không thấy mình lấy chùm chìa khóa xe, bà xã tưởng quên. “Hôm nay tôi đi xe buýt”. Mắt bà vợ mình tròn xoe, ngó trân trân mấy phút, rồi thoáng một nụ cười mỉm. Chắc bà ấy tự an ủi đã quen với cái “hâm hâm” của một ông… đang già?
Đây là chuyến xe buýt đầu tiên sau hơn hai mươi năm ở Hà Nội. Với mình thì đó là một sự lạ, chứ người ta đi xe buýt Hà Nội từ bao đời rồi. Bố anh bạn cùng cơ quan mình, ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa về hưu, hơn 80 tuổi vẫn ngày ngày đi xe buýt từ nhà lên câu lạc bộ Thăng Long, hoặc đến thăm cháu ở tận Nghĩa Đô. Bạn học với mình, anh Trang trong truyện ký “Hành trình đến Dinh Độc lập”, từng lái chiếc xe tăng 380 “sứt mũi” trong chiến dịch Hồ Chí Minh vào chiếm Phủ Tổng thống Sài Gòn, giờ cũng thường xuyên xe buýt. Hắn bảo: vừa đỡ tốn tiền, vừa tiện lợi đủ đường, nhỡ gặp ông bạn nào, vui vẻ cốc bia, chén rượu, khỏi vi phạm Luật Giao thông. Mấy năm trước Bộ trưởng Đinh La Thăng còn dẫn đầu đoàn cán bộ đi thử xe buýt Hà Nội. Sau đó, hình như có cuộc vận động công chức ngành giao thông đi xe buýt đến công sở, chẳng hiểu giờ có mấy người thực hiện.
Nhưng còn có nhiều lời kêu ca xe buýt Hà Nội lắm. Xem trên mặt báo thì biết: nào là chậm chuyến, bẩn thỉu, có khi mất cắp, nhà xe thì thô lỗ, hách dịch…vân vân và vân vân..
Chứng kiến của mình thì không phải thế, ít nhất là trong chuyến này.
Ra đến điểm đỗ gần nhà vừa đúng 7 giờ, đã thấy một xe số 50 tà tà vào vỉa hè. Xe đông, nhưng vẫn có chỗ cho người len vào đứng. Hai tay mình đu lên cái vòng nhựa trên thanh ngang, người lắc lư theo nhịp phanh và ga của bác tài xế.. Một cô gái đứng lên khỏi ghế bảo: “bác ngồi xuống đi”. Mình hơi ngơ ngác, nhìn quanh toàn những gương mặt trẻ. Khi hiểu đó là đặc ân dành cho mình thì bối rối cảm ơn cô gái và ngồi xuống ghế. Liếc lên phía đầu xe, vách ngăn sau lưng bác tài xế treo tấm bảng ‘Quy định dành cho nhân viên và hành khách’ rất văn minh. Phía trên cửa lên xuống có sơ đồ tuyến và các bến đỗ rất cụ thể. Tiếng cô phát thanh viên qua máy ghi âm rè rè: “bến tiếp theo là…” trong tiếng ồn hơi khó nghe. nhưng vẫn hiểu được. Đang giờ cao điểm buổi sáng, trên đường đông nghịt các loại phương tiện. Xe buýt hay ra vào các điểm đỗ nên phải cạnh tranh vất vả với xe máy, xe đạp, xe thồ, các bà hàng rong và cả người đi bộ. Lại còn một ông to béo, mặc áo phông in nhiều chữ nước ngoài, cưỡi cái xe máy phân khối lớn. Một tay cầm ga, tay kia cầm “cương” hai chú chó giống quí, to như hai con bê, chạy thể dục bước một trên đường. Mình cũng là người biết lái xe, nhưng phải công nhận là các bác tài xe buýt có tay nghề rất cao mới có thể điều khiển được cái xe kềnh càng thế này trên đường Hà Nội. Hỏi cô gái đứng gần xem mua vé thế nào thì được trả lời: “anh phụ xe sẽ đến bác nhé”. Tuy nhiên, chắc xe đông quá nên chẳng thấy anh “lơ xe” đâu làm mình sốt ruột. Thỉnh thoảng lại ngó lên phía trước, vẫn cô gái ấy bảo: “Họ đến ngay đấy mà, bác cứ yên tâm”
Nhớ hồi sinh viên ở một nước Đông Âu những năm 80 thế kỉ trước. Các loại xe buýt, xe điện, xe điện bánh hơi đều chung một loại vé to bằng ngón tay cái, được bán sẵn ở rất nhiều ki-ốt. Hành khách lên xe thì tự bấm lỗ ở một trong những cái hộp trên thành xe chứ không có người bán. Thỉnh thoảng sẽ có một ông hoặc bà nào đó lên xe, trên ve áo có cái huy hiệu ‘Thanh tra’. Họ đi lướt qua và nói: “Xin lỗi, kiểm soát vé”. Mọi người chìa vé đã bấm lỗ ra. Chỉ những trường hợp nghi ngờ họ mới cầm vé để xem. Phát hiện trường hợp đi lậu, họ lấy trong túi ra một xấp vé, bấm vào máy 30 chiếc rồi yêu cầu người vi phạm thanh toán, chẳng cần hóa đơn, biên bản gì ráo. Mình được chứng kiến một lần, tuy họ không ồn ào nhưng người bị phạt cũng rất xấu hổ và xuống ngay bến gần nhất. Nói vụng là hồi đó, sinh viên cũng hay trốn vé lắm. Có cậu giỏi toán, tính rằng tổ hợp 6 cái lỗ trên máy bấm sẽ lặp lại ở …n lần.. để giữ lại tất cả vé đã bấm lỗ, lên xe chỉ cần để ý xem cái ma trận 6 lỗ ấy thế nào, rồi tìm cái vé cũ tương ứng cầm sẵn ra tay. Nếu không có vé cũ trùng hợp thì quan sát người lên ở bến, nếu thấy Thanh tra thì lẳng lặng ra cuối xe và xuống bến tiếp theo. Một lần, đi với mấy tay sành sỏi như vậy, không mất vé nhưng mình cứ nháo nhác, và có cảm giác bị…đau tim, chẳng khác nào xem đội tuyển bóng đá Việt Nam chơi với đội Thái Lan bây giờ.
Thế nên mới sốt ruột. Chẳng phải sợ mất tiền phạt mà xấu hổ nếu người ta kêu mình sao không mua vé.
Đến điểm đỗ trường Đại học Luật thì người xuống vãn. Trên xe chỉ còn hơn chục người đứng tuổi, mấy bà cụ mặc áo dài mầu gụ, ý hẳn đi đền chùa và mấy ông già hưu trí đang tranh luận chuyện …hiệp định xuyên Thái Bình Dương. Anh phụ xe mặc đồng phục giờ mới đi xuống giữa xe. Mình mua vé, tiện hỏi luôn xuống bến nào cho gần. Thái độ nhân viên nhà xe ấy thật chu đáo. Anh ta dặn mình bến xuống, còn hướng dẫn khi quay về nếu vẫn đi tuyến này thì bến đỗ ở chỗ ấy, chỗ ấy... Chẳng thấy cái khó chịu ở đâu, cũng chẳng thấy người nhà xe “hách dịch” chỗ nào.
Xuống xe gần đầu đường Thanh niên, mình thả bộ trên con đường tuyệt đẹp sắc thu buổi sớm Hà Nội. Thấy hai ông già đang chúi đầu vào bàn cờ tướng, mình ghé nhìn vào. Ông cầm quân đỏ đang bị chiếu bí, xem ra đã hết phương kháng cự. Ông kia thì cứ giục đi đi chứ, mà ông này vẫn chẳng chịu thua cho. Một nhóm các bà tuổi “sồn sồn” đang tập bài thể dục theo nhạc phát ra từ cái cát-xét để trên ghế đá. Bài tập giông giống như Thái cực quyền 24 thức, hệ phái Dương gia, còn nhạc thì âm hưởng réo rắt hệt như trong phim Tây Du Ký. Một đôi nam nữ, dùng luôn yên cái xe máy dựng sát một gốc cây to làm ghế, đang tâm sự và mắt nhìn lơ đãng ra hồ Trúc Bạch.
 Hà Nội ơi, không phải nơi sinh ra, nhưng đã sống ở đây nhiều nhất trong cuộc đời. Một Hà Nội đẹp và đáng yêu thế này mà hôm nay tôi mới nhận ra…
Đến nơi gặp đồng nghiệp cũ, kể lại chuyến buýt hài lòng vừa đi thì một ông phán: “Ôi dào, ông gặp may đấy. Hôm nay là ngày gì mà xe buýt ngon thế?. Với lại, nhà xe nó tưởng ông là quan chức “vi hành” nên lễ phép vậy thôi, chứ còn thì…” Ngắm lại mình, ừ nhỉ, quần kaki thẫm, áo kẻ nhạt, giầy đen, cặp kính gọng mạ sáng loáng, mình không giống một người lao động lam lũ hay ông già về hưu tí nào.
Nhưng một cảm xúc lạ dâng trào. Tại sao không tổ chức được một hệ thống xe buýt để thay đổi thực trạng giao thông Hà Nội thường xuyên kẹt xe nhỉ? Một hệ thống mà các nước đã làm cách đây hàng mấy chục năm? Một hệ thống mà người dân chấp nhận được và có thiện cảm? Thiếu tiền ư? bao nhiêu dự án, bao nhiêu tỉ đồng đã đổ vào đây rồi? Thiếu phương án ư? Đã bao nhiêu hội nghị, hội thảo, có cả chuyên gia Pháp, Nhật kia mà? Bộ trưởng Thăng cũng quyết liệt “trảm tướng, trảm quân” dữ lắm kia mà? Vậy thì tại sao?
Đem cái tâm sự này đến gặp ông bạn học thời sinh viên, giờ là chuyên viên cao cấp của Cơ quan quy hoạch, phát triển thành phố thì được dội một gáo nước lạnh: “Thắc mắc của ông là đúng. Người ta biết hết rồi, biết kĩ hơn ông nhiều. Nhưng không làm được là vì…không làm, thế thôi. Ông có hỏi là những ai đi xe buýt không? Những người phải đi xe buýt là vì ít tiền và không có quyền. Những người có quyền thì không đi xe buýt. Như ông đấy, giờ mới đi xe buýt lần đầu cơ mà. Ông nghĩ làm gì cho tổn thọ”.

Nhưng mình không thất vọng. Một ngày đẹp trời không cho người ta thất vọng. Nhất định sẽ đến ngày Hà Nội có xe buýt thuận tiện hơn, chí ít cũng được như chuyến đi này. Đây sẽ không phải là “cuốc” xe buýt đầu tiên và cuối cùng của mình được. Mình sẽ đi xe buýt, giống như ông bạn xe tăng của mình, giống như ông Bộ trưởng đáng kính kia, giống bao nhiêu người khác nữa. Càng nhiều người đi xe, sẽ càng sớm có thay đổi hiện trạng xe buýt Hà Nội. Lòng mình chợt vui vui, nhìn đám trẻ con lớp mẫu giáo nào đó, đang nắm đuôi áo nhau, theo các cô giáo qua đường và nghĩ: Thế hệ kia sẽ có nhiều xe buýt hơn, văn minh hơn trong tương lai không xa, và khi đó lại có thêm một lý do nữa để thêm yêu Thủ đô Hà Nội./.

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Bài thi cắm hoa của em





















Em đứng trước những gốc cây khô cháy
Bom đạn thù làm đất đá tả tơi
Tiếng em nói giữa chừng bỗng nghẹn
Cuộc chiến tranh qua đã lâu rồi...
Em đang kể về Ngã ba Đồng Lộc
Về những ngày chiến tranh tàn khốc
Về những ngày em chưa có trên đời
Về những ngày chống Mỹ sục sôi
Tay nâng nhẹ những nhành non lá mới
Em đưa chúng tôi qua thảm cỏ xanh
Nhìn tít tắp về chân Hồng Lĩnh
Cuộc sống sinh sôi, đất nước yên lành
Rồi đến trước tượng đài liệt sĩ
Mười cô gái em gọi tên từng chị
Về đây đi trong hương khói nồng nàn
Về đây đi giữa những người thân
Và em cắm mười bông hồng bạch
Bông tươi nở, bông còn đang e ấp
Đây chị Tần A trưởng đứng trên cao
Chị Cúc ơi, vừa mới chin buồng cau
Đây chị Rạng chiếc áo còn khâu dở
Chị Hợi ơi mẹ vẫn chờ trước cửa
Các em còn nhắc mãi chị Hường ơi
Hai chị Xuân thì đứng sóng đôi
Chị Nhỏ đứng nép vào, e lệ
Chị ơi, tiếng em bỗng nhẹ
Mắt em nhìn đâu đó xa xăm
Môi thầm thì, em khẽ gọi chị Xanh
Thế hệ hôm nay không qua chiến tranh
Trong hạnh phúc vẫn nhớ về các chị
Có chút rưng rưng trong lời em kể
Có niềm tự hào về những chiến công
Em thể hiện xong rồi phần thi tài năng
Cả hội trường lặng đi trong giây lát
Rồi tiếng vỗ tay òa lên không dứt
Giám khảo cho em trọn vẹn những điểm mười
Đâu chỉ là ý tưởng của em thôi
Uống nước nhớ nguồn đã thành đạo lý
Mười cô gái qua lời em kể
Giữa cuộc đời, sống mãi tuổi thanh xuân./.


Đón em về

     Tay em trao lương tháng cuối cùng
Giọng như lạc: tháng sau em nghỉ
Hết tuổi rồi, ai mà chẳng thế
Mà bỗng dưng như thấy em buồn
    Rời quê hương, xa nhà cửa ruộng vườn
Lên Thủ đô theo chồng bao là khó
Đôi bàn tay quen với khoai, với lúa
Em đi học nghề lúc sang tuổi bốn mươi…
     Mùa thu về rồi em ơi
Hà Nội trong nắng vàng và men say ngây ngất
Hồ Tây mùa này đẹp nhất
Sương giăng mỗi sớm mờ xa
Đã có lúc nào thong thả đôi ta
Dắt tay nhau ngắm mặt hồ lặng sóng?
Khi ngày dần trôi, chiều buông xuống
Mặt hồ tím biếc, lung linh
Cảnh sắc đẹp vô cùng sao không có chúng mình?
Em đang ở đâu vào thời khắc ấy
Trên xe buýt, tắc đường, giữa mịt mù khói bụi
Hay giữa chợ đông người, con cá mớ rau?
Còn anh, anh ở đâu?
Giữa ngập đầu công việc.
Hết tháng này rồi làm sao anh biết
Em có yên lòng cho những phút thảnh thơi?
     Cuộc đời mà, em ơi
Như con sông nhiều khúc
Đoạn trong, đoạn đục
Cứ miên man chảy giữa đôi bờ
Không phải lúc nào cũng đẹp như thơ
Nhưng đều nặng phù sa cho cuộc đời mẩy hạt
Đến khúc quanh rồi, sông rẽ sang ngả khác
Chia tay xưởng Viên Hoàn, em về hẳn với anh
      Tóc trắng trên đầu vẫn nhớ những ngày xanh
Ta nâng niu những gì đang có
Dắt tay nhau ngày mai cùng vượt khó
Anh mở cả lòng mình, sung sướng đón chờ em…
 


Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Nói với hoa anh đào

     Ai đã từng đến Thủ đô nước Mỹ, Oa-sinh-tơn DC, nhất là vào đầu mùa xuân đều không thể quên được Lễ hội hoa anh đào. Khu vực nổi tiếng The Mall, thật quyến rũ với những di tích, đền thờ những người lập nước, trong đó có bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, khắc tên 58.282 lính Mỹ chết trận. Nơi đây còn thu hút khách thập phương bởi một rừng cây anh đào, mà 2000 gốc đầu tiên là do nước Nhật mang tặng từ 1912. Khoảng đầu xuân, khi rừng hoa trắng phớt hồng nở rộ thì tuần lễ hội hoa anh đào được tổ chức. Quả thực là rất đẹp, khi những cây hoa soi bóng mặt hồ trong lung linh nắng đầu xuân.
     Năm đầu tiên ta mở Đại sứ quán tại Mỹ để lại ấn tượng vô cùng lớn trong những người Việt Nam cả từ hai phía. Những người cộng sản, trong tư thế người chiến thắng, mang cờ đỏ sao vàng treo lên giữa Thủ đô Oa-sinh-tơn. Những người thua trận, sống lưu vong thì biểu tình liên miên và treo giải thưởng hàng nghìn đôla cho ai giật được lá cờ ấy xuống. Nhiều người Mỹ thì tìm đến Bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam để tìm tên người thân. Cái chua xót là vì Mỹ không thắng trong chiến tranh Việt Nam, nên những người cựu binh hoặc người đã hy sinh trong cuộc chiến đó cũng bị xã hội muốn quên đi như chính cuộc chiến. Công cuộc hòa giải giữa những người Việt Nam, giữa người Việt Nam và Mỹ đã qua nhiều chặng cam go và vẫn đang còn nhiều thử thách phía trước.
       Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ đã có cuộc hội ngộ đầu xuân nhân lễ hội hoa anh đào. Nhân viên ngoại giao đầu tiên được cử đến Mỹ là những người giỏi, được lựa chọn kỹ lưỡng. Nhưng không phải tất cả họ hiểu rằng: để có lúc treo lá cở đỏ sao vàng lên giữa thủ đô Oa-sinh-tơn, đã có bao nhiêu máu xương của những con người bình thường, vô danh phải đổ xuống. Tiếng nói của Sứ quán có sức nặng hay không là ở 70 triệu người phía sau lưng. Chính nhân phẩm của những con người giản dị, hữu danh và vô danh ở Việt Nam trong suốt 30 năm đã làm cho nước Mỹ chấp nhận một nước Việt Nam thống nhất. Nâng lá cờ trên tay, giữa thủ đô nước Mỹ trong những tháng ngày ấy, thật cảm động biết bao. Bỗng thấy mình phải lớn thêm lên và thực sự đã lớn hơn con người thực của mình.
Bài thơ được viết trong dịp đó.




    Mong mãi anh đào ơi, sao năm nay đến muộn
Chưa nở tưng bừng rực rỡ đắm say
Bạn ta ở xa, không chờ lâu được nữa
Mấy năm mới có cuộc vui này
    Ta cũng đến từ Phương Đông ấy
Gần em thôi mà giờ mới biết nhau
Người xưa tặng em cho miền đất hứa
Sao đến quê ta họ gây lắm thương đau?
    Ta cũng muốn có gì đem tặng
Quê hương ta cũng đào thắm, mai vàng
Không muốn Việt Nam chỉ mãi là biểu tượng
Năm mươi tám nghìn cái tên khắc ở trên tường
    Tấm lòng ta bao dung hồn nước Việt
Vòng tay bạn bè nối khắp năm châu
Hỡi ai đó còn lạc đường ngoảnh mặt
Con cáo kia, chết còn hướng về núi quay đầu
    Như bao người lần đầu đến Oa-sinh-tơn, ta đã rơi nước mắt
Nhìn cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ tung bay
Vâng, thưa Bác, con đến nơi Người từng đi một mình trong bão tuyết
Với đội ngũ đủ đầy, và cờ tổ quốc trên tay
    Sau lưng ta là 70 triệu con Hồng, cháu Lạc
Là những bà mẹ anh hùng chưa kịp vinh danh
Là những nông dân từng cưỡi xe tăng chiếm dinh Độc Lập
Những em bé vùng sâu chưa có tấm áo lành…
    Buổi sớm đầu xuân dưới rặng anh đào chớm nở
Ngỡ cuộc đời cứ đẹp thế bình yên
Mà đây đó vẫn bom rơi, đạn nổ
Nhân loại đã bao giờ được sống bình yên?
     Hãy cứ vô tư nở trắng rừng khoe sắc
Khoe mầu phấn hồng như má các em thơ
Anh đào nhé, sang năm đến hẹn
Ta lại cùng chia sẻ phút suy tư…


Em bắt đền đi

     Sắp sinh nhật bà xã, chợt nhớ bài sau đây.

     Một lần, ngày sinh nhật bà xã, buổi sáng đi làm đã tự nhủ: Hôm nay về mua hoa. Nhưng rồi đó là một ngày căng thẳng với bao nhiêu công việc đột xuất, không cả nghỉ trưa, mấy anh em lăn lộn đến 8 giờ tối mới xong. Về đến nhà tầm gần 9 giờ, bà xã ra mở cửa, không nói gì mà quay vào ngay. Chà chà, chuyện gì đây? Ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì. Thấy mâm cơm vẫn úp trên bàn, không hiểu sao lại nói một câu tệ nhất trong năm: Chưa cơm à? Anh đã dặn 7 giờ không thấy anh về thì mẹ con ăn trước cho con học bài cơ mà? Thằng con lướt qua nói rất nhỏ: Bố không mua hoa à? Trời ạ. Thế là vợ giận. Từ đó tới đêm, nàng không nói gì hết. Gần sáng, không ngủ được. Dậy viết mấy câu để lên gối cho vợ trước khi đi làm như một lời xin lỗi. Thế mà hiệu quả đấy, hihihi...
   
    EM BẮT ĐỀN ĐI

Sinh nhật em, anh chẳng quên đâu
Nhưng bận quá nên anh về muộn
Đợi anh hoài và em hờn giận
Giá mà em cứ nói: "bắt đền"!

"Bắt đền đi". Anh sung sướng trăm lần
Sẽ đưa em đi gội đầu trên phố
Sẽ vào bếp nấu cơm, đọc thơ em nghe nữa
Bắt đền đi, em bắt đền đi...

Công việc của anh, em không thể sẻ chia
Chỉ biết nói rằng anh rất bận
Xin em lần này, dẫu đã nhiều lỡ hẹn
Phải vì anh mải vui bạn đã đành...

Đất nước mình dẫu không có chiến tranh
Nhưng rình rập đó đây bao hiểm hoạ
Không chỉ riêng anh đâu, còn bao người nữa
Thức canh cho đất nước hoà bình
... Và anh cứ chờ, em nói BẮT ĐỀN ANH.../.