Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Khúc hát ngày hè


    Anh bỗng nhớ về đất nước
Khi bầu trời châu Âu không một cánh diều
Khi không gian vắng tiếng ve kêu
Những trưa nồng nắng hạ
Không có những cánh đồng phơi gốc rạ
Cho anh đi bắt ốc sớm tinh mơ lúc chưa mọc mặt trời
Những con ốc to gần bằng nắm tay người
Nuôi một niềm vui tìm kiếm
Đôi cẳng chân đen, chiếc giỏ tre lủng liểng
Anh đã lội đi khắp mấy cánh đồng
     Rồi lớn lên đi khắp những khu rừng
Của Trường Sơn hai mùa mưa nắng
Đi dưới những cánh rừng chết trắng
Giữa mùa hè thèm một bóng mây che
Những con đường anh đã đi qua
Những kỉ niệm suốt một thời trai trẻ
Theo anh mãi với cuộc đời mới mẻ
Chẳng bao giờ anh quên…

    Anh bỗng nhớ em
Giữa gương mặt những người thân thuộc
Cô bạn học cùng bàn thuở trước
Có cái bút chì cả lớp dùng chung
Bọn con trai mỗi lúc dùng xong
Cứ đòi em đến tận nơi mới trả
Anh ghen tị với từng thằng bọn nó
Để ngày nào cũng mượn bút của em
Những ngày sơ tán học đêm
Đèn em tắt nhiều bàn tay châm hộ thế
Anh đã sống những ngày vui, buồn lặng lẽ
Bởi em đẹp nhất làng trong mắt bọn con trai
    Rồi anh đi tháng rộng, năm dài
Khẩu súng, chiếc ba lô, những nẻo rừng đất lạ
Những Tha mé, Tà roong, Sê xụ
Cùng bao người trai trẻ chúng anh đi
Cho đến ngày đất nước rợp cờ hoa…
                         
     Chào đồng đội, chào núi rừng Đắc Lắc
Súng gửi lại cho những người giữ đất
Anh trở về mùa nước lớn quê ta
Nước ngập đồng gần, nước trắng đồng xa
Ngày hai buổi dầm mình trong đất ướt
Bao mẫu lúa đã qua tay em vớt
Cái no đói của làng trong thân lúa mỏng manh
Bốn năm rồi em đã đợi anh
Chẳng lẽ mười ngày anh vội
Chờ cho lúa xanh đồng anh mới hỏi
Có dám cùng anh đi khắp đất trời
Mà sao chỉ thấy em cười
Mắt em lấp lánh sắc trời mùa Thu…

    Con bỗng nhớ mẹ cha
Dáng mẹ dịu hiền, dáng cha khắc khổ
Lo cho con bữa ăn còn chưa đủ
Vẫn dạy con lẽ sống ở đời:
Trước người khổ đau, chớ có mỉm cười
Thấy kẻ nghèo hèn, đừng nên khinh bạc
Thấy người giầu sang, cũng đừng vồ vập
Mỗi con người đều có một nét hay
Học ở người con sẽ lớn từng ngày…
    Đời cha khổ
Mười ba tuổi đã đi ở đợ
Quanh năm cởi trần, roi vọt quanh năm
Bắc Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn
Cha đã sống những tháng năm cơ khổ
Mẹ không đi ở đợ
Nhưng đời mẹ buồn, không có tuổi thanh xuân...
      Ngày con đi, mẹ cha tiễn đến bên sông
Thuyền rời bến vẫn còn đứng đó
Bóng như tạc lên sắc trời ráng đỏ
Sông Bến Vạn, chiều 13 tháng 5
       Con đã qua cái tuổi mười lăm
Dại dột, lỗi lầm phiền lòng cha mẹ
Đã qua tuổi hai mươi người lính trẻ
Được thưởng huân chương vội gửi tin về
Đã qua tuổi hăm ba giữa một ngày hè
Mẹ cha đón con dâu trong tiếng pháo
Và trưa nay, giữa trời Âu nắng tràn vườn táo
Con sang tuổi ba mươi
Những ngày hè cứ cháy mãi không thôi…

     Nỗi nhớ vẫn khôn nguôi
Chập chờn bom đạn
Bỗng nhớ về bè bạn
Những năm đất nước chiến tranh
Thằng Khoát cao lênh khênh
Tao vẫn gọi đùa mày là thằng Khoác
Dạo ở Xê Băng Hiêng sốt rét
Mày vét cho tao những thìa sữa cuối cùng
Dứt loạt Bê năm hai đánh giữa đội hình
Vẫn quờ đầu tao hỏi còn hay mất
Sống với bạn vô tư chân thật
Bây giờ về nghèo túng thế Khoát ơi…
     Thằng Tình ở Văn Giai
Tính nết chịu thương chịu khó
Có tài câu cá
Hay hờn hay dỗi như đứa trẻ con
Lúc bị thương
Chỉ sợ chết không có ai nuôi mẹ
Trận lũ quét ở ngầm Tha Mé
Một mình cứu mấy thương binh…
     Nhớ bạn cùng làng Thảo (Thơm)
To cao nhất xã
Hành quân đường dài, ba lô của tao mày mang cả
Mắc võng giữa rừng, bao giờ cũng chung tăng
Hết chiến dịch 14 ngày hành quân
Sốt li bì, tao bám mày cố bước
Rồi cái đêm tao cắt sốt
Mày ra bờ suối tìm rau
Có tìm được cái gì nhiều đâu
Nắm rêu đá mang ống bơ để luộc
Mà kỳ lạ, mạnh hơn cả thuốc
Tao khỏe người, đâu phải chỉ vì rau
Mà bây giờ ở đâu, ở đâu?
Sao đang học lại bỏ về làm ruộng?
“Cứu cả nhà”, ừ, công mày đâu uổng
Nhưng giờ nghe nói đã vào Nam…
     Nhớ Chiến, nhớ Thọ, nhớ Sơn
Nhớ Tuân, nhớ Quốc
Hãy thắp một nén hương cho thằng Bồng đã mất
Chết mà không tìm được xác Bồng ơi
Đã hơn một lần phải để nước mắt rơi
Đắp cho bạn thêm vài xẻng đất
Hôm nay kẻ còn, người mất
Ngoảnh lại đã mười năm
Vẫn không thôi giọt nước mắt thương thầm…
                                            Xô-phi-a 9/1984



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét