Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Đến Khổ hạnh lâm

    Người ta nói, trên đời này có một chữ Duyên. Khi còn nhỏ, tôi chỉ hiểu là cái duyên của một người con gái: Đẹp phải có duyên mới mặn mà. Có người không phải đẹp “sắc nước hương trời” nhưng nếu được khen là có duyên thì cũng nhiều người yêu mến. Đến khi lớn hơn, biết thêm còn cái duyên kì ngộ. Con người ta có duyên với nhau. Chàng trai người dân tộc nào nhỉ, nhặt được chiếc khăn Piêu thì tha thiết hỏi: “ Chiếc khăn đây là mối nối duyên nhau, thời tôi chờ”. Còn nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì đanh đá: “Có phải duyên nhau thì thắm lại, đừng xanh như…” .
    Và còn cái duyên khác nữa.
    Làm việc dài ngày tại Ấn Độ, có lần tôi bị xì-trét nặng. Sáng chủ nhật đang lang thang trong công viên cạnh một đền thờ, tôi đã gặp một nhà sư Việt Nam vóc dáng nhỏ gầy, gương mặt phúc hậu ngồi nghỉ trên ghế đá. Chắc thấy bộ dạng của tôi, nhà sư cất tiếng hỏi. Qua câu chuyện, tôi biết nhà sư đang chuẩn bị về Bodhgaya, nơi được gọi là đất Phật ở Ấn Độ. Ông hỏi tôi đã đến đó chưa và có muốn đi không? Đang cần thay đổi tâm trạng mình, tôi nói ngay là muốn đi. Hóa ra, đường cũng xa lắm, xấp xỉ nghìn cây số và khi đó chỉ phương tiện tầu hỏa là phù hợp nhất. Tầu ở đây thực sự là loại tầu “chợ”, thời gian chạy là 17 tiếng đồng hồ. Nhà sư đã có vé, bảo tôi: “anh cứ ra ga, nếu có duyên, anh sẽ đi được”. Sáu giờ chiều, tôi tìm nhà sư ở ga Nizamudin và mua vé ghế dự bị. May sao, trước giờ tầu chạy 10 phút, tôi được lên tầu. Và thế là có chuyến hành hương không định trước đến đất Phật.
    Trong suốt hành trình, nhà sư đã kể cho tôi nhiều chuyện về miền đất ấy và sự tích của Phật giáo. Thì ra, Đức Phật vốn là một người thực, hoàng tử của một vương quốc (nằm trong đất Ấn Độ, Nê Pan ngày nay), ông đã từ bỏ kinh thành, vợ con, để đi tìm câu trả lời: tại sao con người sinh ra lại khổ đau, bất hạnh, bệnh tật và chết. Ông đã tu luyện nhiều nơi, đã nghiền ngẫm chân lý trong một hang đá trên lưng chừng núi (hang Khổ hạnh). Lúc đầu, theo con đường hành xác, ngày chỉ ăn vài hạt đậu hoặc vừng, ông đã kiệt sức tưởng chết. May có người chăn dê ở rừng cây Sê sam bên dưới thấy ông gục trong hang đã đổ cho ông bát sữa dê. Từ đó, ông chuyển sang ăn để đủ sống, để tu luyện (giáo lý Trung Đạo). Đến một ngày, có lẽ đã tìm ra chân lý của mình, ông ra bờ sông Ni Liên Thiền, thả một bình bát (?) và khẩn cầu: nếu con đường đã chọn là đúng thì bình bát hãy trôi ngược dòng. Được biết ngay chiều hôm đó, ông đã lội qua sông, sang khu vực nay là Bồ đề Đạo tràng. Tiếp tục thiền định 49 ngày nữa dưới một gốc cây bồ đề lớn và khi tự mình giác ngộ, Ngài, giờ đã là Đấng Giác Ngộ, xuống tắm dưới một hồ sen và từ đó giảng giáo lý của mình cho những người đầu tiên…
    Năm ngày ở đất Phật, nhà sư đã cho tôi thăm nhiều nơi, trong đó có lễ phát chẩn ở rừng cây Sê Sam và thăm hang Khổ hạnh. Tôi có duyên chăng để được gặp nhà sư Việt Nam kia, có duyên chăng để đến nơi này một cách bất ngờ như thế? Chỉ biết rằng chuyến đi đã đem lại nhiều hiểu biết hơn về Phật giáo, tiếp cho tôi nguồn năng lượng mới, không chỉ đủ vượt qua những khó khăn ở thời điểm ấy.



                Đến Khổ hạnh lâm
   Ở nơi nào trong gió trong mây
Ở nơi nào trong lá trong cây
Trong những tảng đá ngổn ngang bờ dốc thoải
Còn vương lại điều Người tự hỏi
Đâu cuộc đời bất diệt mai sau?
    Sống ở trên đời ai không có nỗi đau
Nhưng bỏ cả ngai vàng dễ mấy?
Tôi đã đến ngồi vào hang đá ấy
Nghe gió núi thì thầm kể chuyện người xưa:
     Mấy hạt vừng ăn đâu để cầu no
Bát sữa dân lành mang bao triết lý
Rừng Sê Sam, đã bao mùa thay lá
Đã bao đời cây, đã mấy đời người?
     Ni Liên Thiền lặng lẽ nước sông trôi
Đâu bình bát ngược dòng năm tháng ấy
Trong sắc nắng một chiều vàng sắp lụi?
Tôi bỗng rùng mình:
Nếu bình bát trôi xuôi?
     Nếu trôi xuôi bình bát ấy nhỏ nhoi
Thì ánh sáng trong Người có tắt?
Thì thế giới có không đất Phật?
Bao con người sẽ sống kiếp bơ vơ?

    Trăng cũng vừa lên khỏi cánh rừng xa
Soi rõ bước chân Người quả quyết
Và gió sông gửi theo Người câu hát
Trong hành trang cuộc đời, thoát khỏi cảnh trầm luân…

    Có tiếng ai nấc nhẹ sau lưng
Lại một tấc lòng đau cầu nguyện
Ra khỏi hang trong mùi hương nến quyện
Thấy trong lòng sống lại lúc trẻ thơ
    Tuổi lên mười nghe bà niệm nam mô
Và theo mẹ lên chùa dâng oản chuối
Quá nửa cuộc đời hôm nay mới tới
Thả hồn mình trên đất Phật mênh mang…

                               Bodhgaya, Ấn Độ

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Tiễn em ở ga


Những lần tiễn đưa em ở ga
Cứ bận rộn với bao nhiêu suy nghĩ
Anh chưa được một lần ngắm kỹ
Dáng hình khu nhà ga Trung tâm.

Khi còi tầu đột ngột vang ngân
Là bịn rịn bàn tay em vẫy
Anh cứ muốn chạy về hướng ấy
Nơi con tầu đưa em đi xa...

Rồi vắng vẻ đến lạ lùng sân ga
Anh bồi hồi đếm từng viên đá lát
Nghe văng vẳng đâu đây em hát:
"Đường làng em cây dóng hàng đôi..."

Sao yêu làng quê thế em ơi
Cô gái của Thủ đô, phố phường vui năm tháng?
Em có biết những mùa lụt trắng?
Bà thương cháu nhỏ phải ăn khoai
Mẹ thương con không chỗ đùa chơi
Lúa chết ngập, mắt cha quầng mất ngủ
Anh đi chiến trường cũng giữa mùa nước lũ
Tiếng trống cứu làng theo đến tận Trường Sơn...

Em có biết những mùa nắng chói chang
Ruộng nứt nẻ, lúa níu người đòi nước?
Mẻ miệng gầu này thì thay gầu khác
Lúa chết nghẹn đòng, ai nỡ ngồi yên...

Từ làng quê như thế lớn lên
Bát cơm mặn mồ hôi của mẹ
Anh bỗng thấy cồn cào nỗi nhớ
Khi câu làng quê hát ngọt trên môi.

Đừng hát câu ấy nữa em ơi
Cho anh những phút giây yên lặng
Lòng thanh thản như bao người lính
Khẩu súng thúc cạnh sườn, nhịp bước hành quân..

Cho anh một phút thôi bớt nỗi băn khoăn
Cho trẻ giọng cười, cho tươi giọng hát
Cho mỗi bước anh đi, đất chạm đều hai gót
Cho anh theo kịp với đời...

Con tầu đưa em đi xa rồi
Đèn đỏ cuối đường ke nhấp nháy
Anh ra khỏi nhà ga chỗ ấy
Vẫn chưa kịp ngắm nhìn nhà ga...


Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Mơ em

Em thường đến trong giấc mơ anh
Thật đến mức tỉnh rồi còn tiếc mãi
Nếu đầu như Ai phôn, anh sẽ cài ghi lại
Để xem một mình, những lúc nhớ em...

Chiếc ban công

Chiếc ban công với mấy chậu cây
Loay hoay mãi, kê kê đặt đặt
Thêm hai ghế nhỏ vào quá chật
Một chiếc thì vừa, nhưng sao hết cô đơn?

Lần đầu dự họp Xóm Tri ân

Nghe bạn giới thiệu, đã vào trang Tri ân xem "ké" từ mấy tháng rồi. Hầu như ngày nào cũng mở xem có gì mới không. Thấy bài của người quen như thầy Tuân, các bạn cùng học như Xuân Thảo, Nguyệt hay Tô Hà thì phải xem ngay, thích lắm.
Rồi bạn rủ về họp mặt. Tự nhiên thấy chông chênh.
Muốn được gặp lại những người quen.
Bạn nhưng ít gặp dù ở quanh Hà Nội như cánh Nguyệt, Khoản. Thì mỗi thằng một hoàn cảnh. Đều là cánh đã về hưu mà đâu có dễ bốc lên là đi được. Nhớ lúc mới chuyển cả nhà lên Hà Nội, ở trong ngõ hẻm thuộc Khương Trung. Đường vào chỉ đi vừa cái xích lô, lại hơn chục ngả rẽ ngoằn ngoèo như trận đồ bát quái. Mình chuyển đến hôm trước, hôm sau về muộn khi trời đã sập tối, loay hoay mãi cả chục phút hết ngõ nọ đến ngõ kia mà cũng không tìm ra ...nhà mình. Có người dân cảnh giác, thấy mình lượn lờ mấy lần, hỏi anh tìm nhà ai. Chả lẽ lại bảo tôi tìm nhà tôi!. Chán thật. Thế mà chúng nó tìm được và kéo đến nhà chơi mới tài. Xe máy nổ ầm cả xóm, mấy con chó nhà bên được dịp lạ, sủa nhặng cả lên. Hôm ấy nhà bé tin hin, không bàn ghế, trải cái chiếu cũ trên nền đất. Món ăn chẳng có gì ngoài lạc rang, mấy bát canh khoai nấu xương mà mấy thằng làm hết can rượu mang ở quê ra. Đêm muộn mới về, ngõ hẹp, xe máy chở nhau suýt lao gẫy cổng nhà hàng xóm. Giờ đã hơn hai chục năm qua rồi. Nhiều lần đã cùng ngồi nhậu với nhau ở những chỗ khác, thức nhắm ngon, rượu bia có nhãn mác hẳn hoi mà chưa có cuộc nào để lại ấn tượng như hôm ấy. Thì lúc mới lên Hà Nội, bơ vơ, chưa quen biết ai. Vợ con còn ngơ ngác như "gà con lạc mẹ" các bạn học tìm đến chơi sao mà không cảm động. Chẳng biết hôm ấy mấy thằng "chém gió" thế nào, động viên ra sao mà bà xã vui và tự tin hơn hẳn. Sáng sau bảo mình: “em phải kiếm việc gì làm, người ta sống được thì mình sống được”. Chả bù hôm trước, nàng bảo: “em đưa con lên cho anh thôi, bố con anh nuôi nhau, em về với ruộng vườn, chứ ở đây mà chết đói cả nút à” (!) Mà chúng nó thì hoàn cảnh cũng na ná vậy. Có đứa còn vất vả hơn ấy chứ, nhất là thằng Khoản. Rồi thời gian trôi đi, mọi khó khăn hội nhập cũng lần lượt qua đi. Bọn trẻ con rồi cũng lớn lên, đi làm, lấy vợ và sinh con.. cuộc đời một thoáng đã hai mấy năm...
Thầy cũ và Cô giáo cũ trong xóm Tri Ân, nhiều người mình biết chứ. Và muốn gặp.
Thầy Tuân dạy văn nổi tiếng ở Cấp 3. Mình không được học trọn vẹn cấp 3 và không được ở lớp thầy, nhưng biết rằng văn học dân gian, Truyện Kiều, các tác giả Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu thì thầy Tuân giảng hay lắm. Học trò thích học văn cũng là vì thầy giảng hay. Mình đã có lần ngồi ngoài cửa sổ lớp bên cạnh để nghe thầy giảng Kiều, quên cả về giờ học kỹ thuật bên lớp mình. Rồi các thầy còn làm báo bảng ở sân trường, học sinh luôn chen nhau ngồi chép. Những áng văn thơ cổ đặc sắc làm nội dung tham khảo tuyệt hay, không phải của "Ông Đồ" Tuân chuẩn bị thì còn ai vào đấy nữa. Nhiều lúc nghĩ, các thầy gieo vào mình lòng yêu văn học, giác ngộ văn hóa và nhân cách một cách từ từ, dung dị mà chắc chắn biết bao.
Thầy Minh Tư dậy toán lớp A, nhưng thỉnh thoảng thầy dậy lớp mình. Số là cái lớp C (khóa 69-72) long đong lắm. Môn toán do thầy Tạc, hiệu phó, Bí thư chi bộ nhà trường đảm trách. Nhưng thầy hay đi họp, nên các thầy khác phải dậy thay. Nhớ thầy Tư, da ngăm ngăm, nói nhanh, viết bảng nhanh. Thầy quen giảng cho lớp A, toàn bọn giỏi, lớp mình theo vất vả lắm. Giờ toán chả bao giờ biết trước là thầy nào dậy. Hôm thì thầy Hùng, hôm thì thầy Tư. Cứ trống vào lớp nhìn con đường nhỏ dưới khu giáo viên đi lên, đoán già, đoán non thầy này, thầy khác. Chỉ đến khi thầy bước vào lớp mới chắc dậy lớp mình. Thầy Tư ít kiểm tra miệng, nhưng hỏi những câu sợ lắm. Nhìn thầy rê rê cái bút trong sổ, thằng nào cũng run. Danh sách học sinh theo vần ABC, mình ngồi bàn đầu, áng chừng sắp tới vần N là tim đập thình thịch. Có lúc thầy đã lướt qua, thở phào, nhưng rồi chẳng gọi tên trò nào, bút của thầy lại rê ngược lên, khiếp vía.
Thầy Hùng dậy Hình học cực hay, trình bày bài giải trên bảng còn đẹp bằng mấy học trò làm trên giấy. Sau này mình luôn gắng theo mẫu ấy của thầy. Bài nào không làm được thì thôi, đã làm là rất đẹp, bao giờ cũng ăn điểm tối đa.
Thầy Tạc ít dậy, không có đặc điểm nào đáng nhớ hơn là thầy nóng tính. Đứa nào hay nói chuyện riêng rất dễ bị ăn một viên phấn. Nhớ ngày đầu vào lớp 8, thầy hỏi: "ai tổng kết toán 5 giơ tay lên" (điểm cao nhất hồi đó). Cả lớp hơn chục cánh tay giơ lên. Mình học toán cũng khớ mà chỉ tổng kết 4 cộng (4+), huých thằng Thu ngồi cạnh bảo: "nhiều thằng giỏi nhỉ". Dứt lời, ăn một mẩu phấn vào trán đánh cốp và một câu quát: "hai cậu kia đứng dậy. Không muốn học thì ra ngoài" , sợ chết khiếp. Sau một tháng, hóa ra chúng nó cũng giỏi vừa thôi. Mình được thầy Tạc rất quí và gọi là: "con gà chọi của tôi" và cử mình làm Cán sự môn toán (ghê chưa?). Giờ thầy đã về với thiên cổ. Mỗi lần về quê, đi qua nhà thầy, lại nhớ thầy quá đi thôi.
Môn toán được học vất vả vậy nhưng cũng giúp mình vượt qua kỳ kiểm tra vào lớp 10 bổ túc văn hóa sau khi kết thúc chiến tranh. Bài kiểm tra đơn giản lắm: một bài   rút gọn dùng 7 hằng đẳng thức đáng nhớ, một bài hình tính độ dài một cạnh, một bài lượng ngắn, cậu nào nhớ được: "cốt cộng cốt bằng 2 cốt cốt" là giải được. Thế mà đến quá nửa phòng thi lại quên, hỏi nhau cứ loạn cả lên. Mình viết xong trước 10 phút, nộp bài ra sớm. Thầy nhận bài, liếc qua bảo; nhớ giỏi đấy. Sướng đã đời. Sau này học toán cao cấp trong đại học, rồi học chuyên ngành kỹ sư kết cấu, kiến thức toán đòi hỏi rất nhiều. Nhớ lại những ngày học toán cấp 3, lại nhớ thầy Tư, thầy Hùng, thầy Tạc…
Suốt cả tuần cứ háo hức mong đến ngày 22/9. Hà Nội có mấy thành viên của xóm Tri ân mà rồi hôm ấy cũng mỗi người đi một cách. Sáng sớm, trời mưa to. Thằng cháu rủ về vì nó có việc nhà, nhưng phải đi lối Hải Dương và đi trước 5 giờ sáng. Thôi cũng tốt, chứ ra đường mà ngóng xe khách chả biết bao giờ mới đến nhà. Đi thì đi thế thôi, chứ cũng còn đang phân vân lắm. Hay là mình đến thật muộn nhỉ, để mọi người qua phần họp gặp mặt hay diễn văn gì gì đó đi. Cứ nghĩ đã là gặp mặt một năm một lần thế nào chả có phần lễ lạt, mình dự phần ấy có vô duyên không. Lại sợ về dự thì vui nhưng rồi chả đóng góp được gì cho xóm, lại ngại. Đang loay hoay thì cô Trưởng xóm gọi, thấy mình nói đang về, có thể đến muộn. Nàng phán một câu xanh rờn: “muộn cũng được, nhưng phải có mặt”. Thế là hết đắn đo.
Đến cửa khách sạn Sao Đỏ, đã có Trưởng ban tổ chức đứng đón ở thềm. Cái bắt tay nồng ấm làm mình thấy tự tin hơn. Vào sảnh nhìn thấy một loạt bô lão ngồi trên mấy ghế sô pha mà chẳng quen ai cả.
Nhưng rồi được giới thiệu. Ông cao lớn ngồi kia với cái máy trợ thính luôn kêu lẹt xẹt là thầy Bùi Trác Trường. Ông ngồi cạnh, trông hiền hiền và nho nhã là cây viết thơ rất khỏe Văn Nhã. Đối diện là bác Hiểu, vợ chồng thầy Mạnh. Trông trong avatar thầy Mạnh có vẻ phong trần lắm mà gặp người thực thì thấy không phải vậy. Chắc tại cái áo phông khoe bắp tay trong bức ảnh làm mình lầm. Bác Sử, vừa trông thấy mọi người đã gọi kèm với biệt danh: người đàn ông chung thủy nhất hành tính. Chà, chắc là có nguyên cớ chi đây. Ngồi cạnh là nhà thơ Tạ Anh Ngôi. Mình xem trong trang thì thấy ông này cũng chịu khó post bài và ảnh lắm. Cô Trưởng xóm xăng xái lo gọi nước uống, kéo bàn ghế ngồi đợi cho mọi người gần nhau và có ý làm mình bớt cái bỡ ngỡ ban đầu với xóm. Tô Hà giới thiệu người chị em mang một cái tên rất đẹp: Thi Nhân. Mà không chỉ tên đẹp. Một chút miền Trung làm sáng cả căn phòng. Rồi mọi người lần lượt đến. Vợ chồng thầy Tuân, cô Song Thu đây rồi. Thầy ôm theo một bọc to, ồn ã tay bắt mặt mừng với mọi người. Bạn Thế, một người liên quan đến khởi thủy của trang Tri ân đến, dáng người vẫn cao to mà già hẳn đi sau tang lễ bà mẹ. Rồi Khoản và Quý đến. Một người tóc bạc trắng mà phong cách rất trẻ, khập khễnh đi bên ông bạn tề chỉnh như quan chức. Hai người cũng là được bạn bè rủ về dự lần đầu nhưng gặp thầy, gặp bạn cũ vui lắm. Trời vẫn mưa nặng hạt, nhưng người được mong chờ đã đến. Nguyệt đeo túi dết đội mưa bước vào. Đó cũng là một nhân vật trong nhóm tổ chức buổi gặp mặt nên vội vã hết thì thầm với Trưởng xóm lại bàn bạc gì với nhân viên khách sạn. Cái túi dết căng phồng hóa ra là mấy quyển sách rất dầy. Mình đoán là sách mới, chắc tác giả lại bỏ tiền mua thêm để tặng đây mà. Một người đi xe máy từ Bắc Giang xuống là bác Phong, cũng là người nặng tình ân nghĩa với xóm này.
Dù còn đợi vài người, nhưng đã hơi muộn, ban tổ chức mời mọi người vào phòng trong. Bốn cái bàn tròn xếp trước một tấm phông lớn với dòng chữ Họp mặt xóm Tri Ân năm 2015 (phần này xem trong video của nhà thơ Tạ Anh Ngôi thì rõ hơn). Căn phòng ấm cúng thật phù hợp với không khí buổi gặp mặt. Rồi cô Trưởng xóm giới thiệu thầy Tuân mở màn. Ông giáo già mà tâm hồn lạc quan, sức nghiên cứu, đọc và viết người trẻ còn khó theo kịp. Mấy câu chân tình càng tạo sự gần gũi cho mọi người. Thầy Tuân đã chuẩn bị một bộ 4 quyển mới in làm quà tặng cho những người mới. Mình cũng sung sướng được nhận một gói sách do chính tay thầy ký tặng. Giọng thầy mấy chục năm mình vẫn thấy quen, chậm rãi, rõ rang đầy cuốn hút. Đúng lúc đó thì nhà thơ Thanh Dạ xuất hiện. Trông ông nhỏ bé hơn mình tưởng tượng, mái tóc dài, đuôi mắt như cười, mình thấy ông nhang nhác giống nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Khi chào hỏi từng người, mình nhận thấy ông cũng vui và đùa hóm hỉnh lắm. Ông lôi ra một quyển lịch lốc to gần cỡ giấy a4 và bảo: “Tớ viết nháp thơ luôn vào mặt sau từng tờ lịch cho dễ nhớ ngày tháng”. Mình liếc nhìn thấy nét chữ nghiêng viết vội, nhiều gạch xóa mà rụt đầu lè lưỡi phục ông già. Hình như ông có rót thử một chén rượu để bớt cái lạnh của mưa hay sao ấy. Trông ông thật nghệ sĩ. Người đến sau cùng là thầy Minh Tư. Ông to béo hơn, chắc do tuổi tác, dù khoe mới lăn lộn với cái nhà mới xây ở tận Đông Triều. Rồi lần lượt các thành viên của xóm tiếp lời nhau sau một năm chỉ gặp nhau trên mạng. Mấy khách mới đến được ưu ái giới thiệu và đọc thơ, coi như chính thức được vào xóm. Phần ăn uống và vui văn nghệ sau đó thì giống nhiều cuộc gặp mình đã dự. Có khác chăng thì là tiết mục ngẫu hứng đi vài điệu van của bạn Khoản, đúng với phong cách rất trẻ mà mình từng biết.

Mọi người chia tay nhau và rời Sao Đỏ lúc trời đã ngớt mưa vào buổi chiều. Ngồi trên xe về Hà Nội, một cảm giác hạnh phúc tràn ngập lòng mình. Cái ấm áp, gắn bó bè bạn và thầy trò thật khó có gì thay thế được. Rồi cuộc sống đời thưởng sẽ xô đẩy ta đi. Nhưng mỗi ngày mở trang Tri ân, như lại gặp những người thân thiết kia. Đọc một bài viết, xem một bức ảnh lại sẽ thấy cả con người, sẽ có một nguồn năng lượng vô hình sưởi ấm lòng ta. Lòng biết ơn, đúng thế, là một phẩm chất của con người. Những gương mặt cũ mới của xóm lần lượt hiện ra trong một tâm trạng lâng lâng thật khó tả. Nhớ câu thầy Tuân nói khi kết thúc: cần có thêm nhiều thành viên, cần những gương mặt mới. Mình là người mới đây rồi, nhưng có góp được gì mới cho Trang Tri ân không đây…

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Lan man về cái liềm

     Thầy Minh Tư hỏi: "Phải Nghị ở Tân Dân không? Phải con ông Hữu lò rèn không?. Họp phụ huynh, bố cậu bảo: cháu nó cứ phải dẽ 7 cái liềm cho tôi rồi mới học bài". Vâng, đời học sinh cấp 3 của tôi là thế. Nhà có nghề lò rèn, tôi phụ giúp cha mẹ, giống bao đứa con  nhà nông khác giúp gia đình công việc đồng áng mà thôi. 
      Thế mà đêm mất ngủ. Cứ nghĩ lan man về cái liềm.
Hầu hết bạn của tôi ở nông thôn, ai mà chẳng biết và nhiều kỉ niệm với cái liềm. Thằng bạn thân, lính lái xe tăng  vào dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4, viết mấy tiểu thuyết chiến tranh đầy ắp sự kiện, hồi nhỏ phụ cha đánh xe bò kéo, chắc cũng có nhiều thời gian làm bạn với cái liềm. Thằng bạn sống chết một thời lửa đạn, giờ làm ông chủ tiệm thịt dê nổi tiếng Đồng Nai, ngày bé nhà nghèo chẳng gắn với cái liềm thì lấy gì mà ăn. Mấy thằng bạn ở Phố Thiên, phố Phả Lại thì có thể không phải cầm liềm hồi trẻ con, nhưng chúng nó đều là đảng viên, sao không biết cái liềm được (!)?
     Cái liềm gắn với người nông dân và nông thôn từ bao giờ chẳng rõ. Thân phận của nó cũng thú vị lắm chứ. Này nhé, về giá trị tài sản nó chẳng phải là "đầu cơ nghiệp" một thời như con trâu. Nó không hoành tráng như cái cày, cái bừa. Thậm chí không được "trân trọng" nâng niu đặt trên vai như cái cuốc. Nhưng cái liềm là biểu tượng của nông dân đấy. Không phải chỉ của bà con nông dân Việt Nam thôi đâu mà của nông dân mấy chục nước. Hãy xem trên lá cờ của các Đảng Cộng Sản thì biết. Nghe nói cờ búa liềm xuất hiện từ cách mạng tháng 10 Nga đầu thế kỉ trước và năm 1924, Hiến pháp Liên Xô đã chính thức thông qua lấy búa liềm làm biểu tượng cho Quốc kỳ và Quốc huy. Khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh oai hùng của cách mạng Việt Nam đầu những năm 30 cũng đã giương cao lá cờ búa liềm rồi. Máu đã đổ, phong trào bị đàn áp dã man. Nhưng ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh đã âm ỉ trong lòng dân tộc để đến sự ra đời nhà nước công nông. Ai là đảng viên Đảng Cộng Sản mà không giơ tay thề trước cờ búa liềm?
      Có người bảo: cái liềm được đưa làm biểu tượng cho nông dân vì nó đơn giản trong thể hiện, chứ vẽ cái búa và con trâu chẳng hạn thì người nhiễu sự lại nghĩ là nhà ba-toa à (!). Nếu vẽ cái cầy, cái bừa gì đó cùng với cái búa thì do kích thước và hình thể e rằng giai cấp nông dân lại hoành tráng hơn giai cấp công nhân ư?. Tán đùa thế cho vui chứ chọn cái liềm là quá chuẩn, không phải chỉ vì tính đơn giản của biểu tượng. Thì đấy, thế kỉ 20, người ta đưa lên mặt trăng một cái thước tính loogarit để làm dấu mốc cho trình độ khoa học kĩ thuật hay trí thức của loài người trên trái đất này đâu chỉ vì nó đơn giản dễ làm biểu tượng?
    Là trẻ con lớn lên ở nông thôn miền Bắc nửa sau thế kỉ trước, ai chẳng thấy cái liềm gắn với người nông dân hàng ngày. Liềm để cắt cỏ nuôi trâu bò. Cứ dắt được con trâu ra đồng là đã biết cầm liềm đi cắt cỏ rồi. Chỗ cỏ tốt, hoặc cuối Xuân sang Hè thì cỏ được cắt bằng 2 tay, một tay nắm phần ngọn cỏ, tay kia đưa liềm thoăn thoắt. Mùa Thu Đông, cỏ cằn cỗi thì hai tay nắm chuôi liềm, nạo cỏ ven bờ mương, bờ đê, rồi rũ đất đi lấy phần cỏ chỉ có gốc với rễ. Vớ được củ khoai lang, quả ổi xanh thì cái liềm liền biến thành con dao, mấy đứa bạn cắt chia nhau ngọt ngào đến thế tuổi thơ...
   Liềm để cắt lúa, một năm đôi ba vụ. Cái hồi chưa có máy gặt đập như bây giờ thì cái liềm là chủ lực. Thường thì ruộng xăm xắp nước. Các mẹ, các chị một tay quơ lúa, tay cầm liềm cắt xoẹt, nghe ngọt xớt. Đầy nắm tay lúa thì cái liềm trong tay kia nâng dưới đầu ngọn lúa trĩu hạt để nhẹ nhàng đặt nắm lúa ấy xuống chờ xén và lượm. Cái liềm trong tay người thỉnh thoảng vung lên, lưỡi sáng bắt ánh mặt trời loang loáng. Đang cắt lúa mà có chú rắn, chú chuột nào phi ra thì cái liềm bỗng thành bảo kiếm chém cái vút, thật lợi hại. Lúc nghỉ giải lao đầu bờ, một bà nghiện trầu nào đó sẽ lấy liềm để bổ quả cau hay cắt miếng vỏ giắt trong cạp quần từ lúc đi làm và miếng trầu lại là đầu câu chuyện rôm rả đến quên cái mệt.
     Ở nông thôn mới có ánh trăng, ngắm trăng đẹp thì ví "Trăng là liềm vàng, trăng là lưỡi bạc...". Trăng còn được nhìn thấy như lưỡi liềm, hết mùa gặt, ai bỏ quên trên cánh đồng Trời. Bác nông dân thì khẳng định: trăng mồng bốn lưỡi liềm, mồng năm liềm giật..cái liềm đã vào ca dao tục ngữ, thơ ca Việt Nam.
      Hồi mới ký hiệp định Pari 1973, tôi ở sát sân bay Tà Cơn. Đơn vị được làm lán trại để ở thay cho nằm võng bạt. Tay trợ lý hậu cần Tiểu đoàn mang về một bao tải to tướng. Lính đang đói, tưởng bở, hóa ra một bao tải...liềm. Thế là ngày ngày đi cắt cỏ tranh (gianh?) về làm mái, làm vách lán. Mấy ông cán bộ tiểu đoàn đã lớn tuổi, còn trải xuống làm đệm nữa. Cái liềm thay cho khẩu súng suốt cả tháng trời. Đến những chỗ cạnh sân bay, sợ có mìn vướng nổ, anh em lấy cái liềm buộc vào đầu con sào khua lên phía trước. Cái liềm sẽ lãnh đủ nếu gặp dây mìn vướng. Thân nó làm bằng thép, nó nhận phần nguy hiểm thay cho con người.
     Với tôi, con thợ rèn nông thôn thì cái liềm gắn với tôi theo cách khác. Bắt đầu làm thợ với bố là tập dẽ liềm. Đó là một công việc của người thợ làm cho liềm đã cùn trở thành liềm sắc. Đầu tiên, liềm được nung đỏ để nó mềm lại (xẹp liềm). Khi đã nguội, người ta dùng búa nắn cho cái liềm được thẳng, chỗ mũi nếu bị gẫy hoặc tù quá thì dùng kéo chuyên dụng cắt cho nhọn và đẹp. Kế đó, liềm được dũa sắc như lưỡi dao. Công đoạn tiếp theo là cắt chấu (làm răng cưa nhỏ li ti). Đây là một công đoạn khó và phân biệt người thợ này với thợ khác. Nhiều chú làm với bố tôi mãi mà không làm tốt việc này, răng chấu to, tù tù, nham nhở, dứt khoát không được làm. Sau khi cắt chấu, liềm được mài bằng đá núi cho hết ba-via ở lưỡi chấu và "tôi" liềm. Chỉ thợ cả mới "tôi" được liềm. Đó là làm cho lưỡi liềm cứng lại. Ngôn ngữ cơ khí hàn lâm thì nói: "tôi" là làm thép nóng đến một nhiệt độ nhất định và làm lạnh đột ngột. Người thợ rèn nông thôn không biết đến kiến thức cao siêu kia, chỉ dùng nước muối bôi vào lưỡi liềm, hơ trên lò than cho hồng rực đến một mức tùy ước lượng của thợ rồi nhúng vào bể nhỏ nước kêu đánh xèo một cái. Nhấc lên, chiếc liềm bong vẩy chỗ trắng, chỗ xanh, hơ nóng lại để "ram mầu", nắn hơi cong lên một chút là được. "Tôi" là một công đoạn quyết định của người thợ rèn. Tôi đọc cho bố nghe chuyện "Thép đã tôi thế đấy". Bố khen hay và bảo: "Tôi thế đấy" là thế nào? Phải là "tôi" đúng mầu như bố mày làm đây này" (!) Một chiếc liềm dẽ lại, tùy tay nghề của thợ và chất lượng thép, có thể cắt hết một vụ lúa vẫn còn sắc. Tất nhiên, không được lấy liềm bổ cau, cắt vỏ tray như mấy bà hoặc bổ ổi xanh như mấy đứa trẻ trâu.
     Tôi cắt chấu liềm khéo nhất trong các con của bố và nói đùa là gia truyền cũng được. Bây giờ còn mấy chú làm cùng bố ngày xưa có thể xác nhận điều này. Những cây liềm chuyên xén lúa ngày ấy dài cả nửa mét thì hoặc là bố, hoặc là tôi cắt chấu. Thậm chí, lúc đã rời bố mẹ thoát ly. mỗi lần về phép, bố lại để dành những cái liềm xén do người ở xa đến thửa cho tôi cắt chấu, sau khi chính tay bố dũa cho tôi.
    Bây giờ người nông dân quê tôi đã có máy gặt đập, không dùng liềm cắt lúa. Bố tôi đã về với trời xanh. Chỉ một đứa cháu ngoại còn giữ nghề kỳ cạch. Tôi nao lòng nhớ bố khi nghĩ lan man về cái liềm. Thầy Minh Tư ơi. bố em là một người thợ rèn nông thôn. Bố em dậy em dẽ liềm để phụ việc kiếm ăn cho gia đình thời ấy.
    Cái liềm gắn bó máu thịt với người nông dân là vậy. Có nhiều người đẻ con gái còn đặt tên là Liềm cơ mà. Những "cái Liềm" ở làng đã tiếp nối sinh con sinh cháu, hát mãi những bài dân ca tuyệt hay mà không một nhạc sĩ nào không cúi đầu trân trọng. Cũng có những "cái Liềm", ra thị thành đi học, giờ là những trí thức, văn nghệ sĩ với những cái tên nhiều từ và nhất định không phải là "cái Liềm".
           Không biết Nông Trường Chí Linh ngày xưa có dùng nhiều liềm không?. Biết đâu cũng có những cái Liềm, giờ mang tên sông tên núi rồi, hihihi./.

Gửi người một thoáng

Cuộc đời nào không có những chia ly
Cuộc đời nào không có đến và đi
Những miền đất chưa kịp quen đã lạ
Những miền đất rồi một đời thương nhớ
Dù thời gian nhòa nhạt tháng năm trôi...
Có gì đâu để nhớ em ơi
Nơi nhiều nắng và nhiều cát bụi
Nơi cái rét hanh khô tê tái
Mỗi lần gội đầu thương sợi tóc rụng rơi..
Nhớ gì đâu, nơi ấy những con người
Những gương mặt như trăm nghìn gương mặt
Giầu có nhất là lòng chân thật
Vụng về lời lẽ đưa duyên...
Không nhớ thì thôi, Đêli vẫn nhớ em
Nhớ tà áo dài đôi lần em mặc
Nhớ bài hát mấy lần em hát
Nhớ bàn tay đốt pháo lầm lì
Nhớ tài làm bánh, muối dưa
Và cứ nhớ, chẳng có gì cũng nhớ...
Tháng ngày đi nhanh thế
Mùa hạ về phượng đỏ những đường cây
Mùa hạ về chim sáo hót mê say
Trời cao vút và xanh như nỗi nhớ...
Tiễn em lặng lẽ
Là hàng cây gió vi vút trong đêm
Là làn hương trong gió tỏa êm
Là rực rỡ những ngọn đèn tỏa sáng..
Đêli một đêm thức trắng
Âm thầm tiễn em đi...