Thầy Minh Tư hỏi: "Phải Nghị ở Tân Dân không? Phải con ông Hữu lò rèn không?. Họp phụ huynh, bố cậu bảo: cháu nó cứ phải dẽ 7 cái liềm cho tôi rồi mới học bài". Vâng, đời học sinh cấp 3 của tôi là thế. Nhà có nghề lò rèn, tôi phụ giúp cha mẹ, giống bao đứa con nhà nông khác giúp gia đình công việc đồng áng mà thôi.
Thế mà đêm mất ngủ. Cứ nghĩ lan man về cái liềm.
Hầu hết bạn của tôi ở nông thôn, ai mà chẳng biết và nhiều kỉ niệm với cái liềm. Thằng bạn thân, lính lái xe tăng vào dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4, viết mấy tiểu thuyết chiến tranh đầy ắp sự kiện, hồi nhỏ phụ cha đánh xe bò kéo, chắc cũng có nhiều thời gian làm bạn với cái liềm. Thằng bạn sống chết một thời lửa đạn, giờ làm ông chủ tiệm thịt dê nổi tiếng Đồng Nai, ngày bé nhà nghèo chẳng gắn với cái liềm thì lấy gì mà ăn. Mấy thằng bạn ở Phố Thiên, phố Phả Lại thì có thể không phải cầm liềm hồi trẻ con, nhưng chúng nó đều là đảng viên, sao không biết cái liềm được (!)?
Cái liềm gắn với người nông dân và nông thôn từ bao giờ chẳng rõ. Thân phận của nó cũng thú vị lắm chứ. Này nhé, về giá trị tài sản nó chẳng phải là "đầu cơ nghiệp" một thời như con trâu. Nó không hoành tráng như cái cày, cái bừa. Thậm chí không được "trân trọng" nâng niu đặt trên vai như cái cuốc. Nhưng cái liềm là biểu tượng của nông dân đấy. Không phải chỉ của bà con nông dân Việt Nam thôi đâu mà của nông dân mấy chục nước. Hãy xem trên lá cờ của các Đảng Cộng Sản thì biết. Nghe nói cờ búa liềm xuất hiện từ cách mạng tháng 10 Nga đầu thế kỉ trước và năm 1924, Hiến pháp Liên Xô đã chính thức thông qua lấy búa liềm làm biểu tượng cho Quốc kỳ và Quốc huy. Khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh oai hùng của cách mạng Việt Nam đầu những năm 30 cũng đã giương cao lá cờ búa liềm rồi. Máu đã đổ, phong trào bị đàn áp dã man. Nhưng ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh đã âm ỉ trong lòng dân tộc để đến sự ra đời nhà nước công nông. Ai là đảng viên Đảng Cộng Sản mà không giơ tay thề trước cờ búa liềm?
Có người bảo: cái liềm được đưa làm biểu tượng cho nông dân vì nó đơn giản trong thể hiện, chứ vẽ cái búa và con trâu chẳng hạn thì người nhiễu sự lại nghĩ là nhà ba-toa à (!). Nếu vẽ cái cầy, cái bừa gì đó cùng với cái búa thì do kích thước và hình thể e rằng giai cấp nông dân lại hoành tráng hơn giai cấp công nhân ư?. Tán đùa thế cho vui chứ chọn cái liềm là quá chuẩn, không phải chỉ vì tính đơn giản của biểu tượng. Thì đấy, thế kỉ 20, người ta đưa lên mặt trăng một cái thước tính loogarit để làm dấu mốc cho trình độ khoa học kĩ thuật hay trí thức của loài người trên trái đất này đâu chỉ vì nó đơn giản dễ làm biểu tượng?
Là trẻ con lớn lên ở nông thôn miền Bắc nửa sau thế kỉ trước, ai chẳng thấy cái liềm gắn với người nông dân hàng ngày. Liềm để cắt cỏ nuôi trâu bò. Cứ dắt được con trâu ra đồng là đã biết cầm liềm đi cắt cỏ rồi. Chỗ cỏ tốt, hoặc cuối Xuân sang Hè thì cỏ được cắt bằng 2 tay, một tay nắm phần ngọn cỏ, tay kia đưa liềm thoăn thoắt. Mùa Thu Đông, cỏ cằn cỗi thì hai tay nắm chuôi liềm, nạo cỏ ven bờ mương, bờ đê, rồi rũ đất đi lấy phần cỏ chỉ có gốc với rễ. Vớ được củ khoai lang, quả ổi xanh thì cái liềm liền biến thành con dao, mấy đứa bạn cắt chia nhau ngọt ngào đến thế tuổi thơ...
Liềm để cắt lúa, một năm đôi ba vụ. Cái hồi chưa có máy gặt đập như bây giờ thì cái liềm là chủ lực. Thường thì ruộng xăm xắp nước. Các mẹ, các chị một tay quơ lúa, tay cầm liềm cắt xoẹt, nghe ngọt xớt. Đầy nắm tay lúa thì cái liềm trong tay kia nâng dưới đầu ngọn lúa trĩu hạt để nhẹ nhàng đặt nắm lúa ấy xuống chờ xén và lượm. Cái liềm trong tay người thỉnh thoảng vung lên, lưỡi sáng bắt ánh mặt trời loang loáng. Đang cắt lúa mà có chú rắn, chú chuột nào phi ra thì cái liềm bỗng thành bảo kiếm chém cái vút, thật lợi hại. Lúc nghỉ giải lao đầu bờ, một bà nghiện trầu nào đó sẽ lấy liềm để bổ quả cau hay cắt miếng vỏ giắt trong cạp quần từ lúc đi làm và miếng trầu lại là đầu câu chuyện rôm rả đến quên cái mệt.
Ở nông thôn mới có ánh trăng, ngắm trăng đẹp thì ví "Trăng là liềm vàng, trăng là lưỡi bạc...". Trăng còn được nhìn thấy như lưỡi liềm, hết mùa gặt, ai bỏ quên trên cánh đồng Trời. Bác nông dân thì khẳng định: trăng mồng bốn lưỡi liềm, mồng năm liềm giật..cái liềm đã vào ca dao tục ngữ, thơ ca Việt Nam.
Ở nông thôn mới có ánh trăng, ngắm trăng đẹp thì ví "Trăng là liềm vàng, trăng là lưỡi bạc...". Trăng còn được nhìn thấy như lưỡi liềm, hết mùa gặt, ai bỏ quên trên cánh đồng Trời. Bác nông dân thì khẳng định: trăng mồng bốn lưỡi liềm, mồng năm liềm giật..cái liềm đã vào ca dao tục ngữ, thơ ca Việt Nam.
Hồi mới ký hiệp định Pari 1973, tôi ở sát sân bay Tà Cơn. Đơn vị được làm lán trại để ở thay cho nằm võng bạt. Tay trợ lý hậu cần Tiểu đoàn mang về một bao tải to tướng. Lính đang đói, tưởng bở, hóa ra một bao tải...liềm. Thế là ngày ngày đi cắt cỏ tranh (gianh?) về làm mái, làm vách lán. Mấy ông cán bộ tiểu đoàn đã lớn tuổi, còn trải xuống làm đệm nữa. Cái liềm thay cho khẩu súng suốt cả tháng trời. Đến những chỗ cạnh sân bay, sợ có mìn vướng nổ, anh em lấy cái liềm buộc vào đầu con sào khua lên phía trước. Cái liềm sẽ lãnh đủ nếu gặp dây mìn vướng. Thân nó làm bằng thép, nó nhận phần nguy hiểm thay cho con người.
Với tôi, con thợ rèn nông thôn thì cái liềm gắn với tôi theo cách khác. Bắt đầu làm thợ với bố là tập dẽ liềm. Đó là một công việc của người thợ làm cho liềm đã cùn trở thành liềm sắc. Đầu tiên, liềm được nung đỏ để nó mềm lại (xẹp liềm). Khi đã nguội, người ta dùng búa nắn cho cái liềm được thẳng, chỗ mũi nếu bị gẫy hoặc tù quá thì dùng kéo chuyên dụng cắt cho nhọn và đẹp. Kế đó, liềm được dũa sắc như lưỡi dao. Công đoạn tiếp theo là cắt chấu (làm răng cưa nhỏ li ti). Đây là một công đoạn khó và phân biệt người thợ này với thợ khác. Nhiều chú làm với bố tôi mãi mà không làm tốt việc này, răng chấu to, tù tù, nham nhở, dứt khoát không được làm. Sau khi cắt chấu, liềm được mài bằng đá núi cho hết ba-via ở lưỡi chấu và "tôi" liềm. Chỉ thợ cả mới "tôi" được liềm. Đó là làm cho lưỡi liềm cứng lại. Ngôn ngữ cơ khí hàn lâm thì nói: "tôi" là làm thép nóng đến một nhiệt độ nhất định và làm lạnh đột ngột. Người thợ rèn nông thôn không biết đến kiến thức cao siêu kia, chỉ dùng nước muối bôi vào lưỡi liềm, hơ trên lò than cho hồng rực đến một mức tùy ước lượng của thợ rồi nhúng vào bể nhỏ nước kêu đánh xèo một cái. Nhấc lên, chiếc liềm bong vẩy chỗ trắng, chỗ xanh, hơ nóng lại để "ram mầu", nắn hơi cong lên một chút là được. "Tôi" là một công đoạn quyết định của người thợ rèn. Tôi đọc cho bố nghe chuyện "Thép đã tôi thế đấy". Bố khen hay và bảo: "Tôi thế đấy" là thế nào? Phải là "tôi" đúng mầu như bố mày làm đây này" (!) Một chiếc liềm dẽ lại, tùy tay nghề của thợ và chất lượng thép, có thể cắt hết một vụ lúa vẫn còn sắc. Tất nhiên, không được lấy liềm bổ cau, cắt vỏ tray như mấy bà hoặc bổ ổi xanh như mấy đứa trẻ trâu.
Tôi cắt chấu liềm khéo nhất trong các con của bố và nói đùa là gia truyền cũng được. Bây giờ còn mấy chú làm cùng bố ngày xưa có thể xác nhận điều này. Những cây liềm chuyên xén lúa ngày ấy dài cả nửa mét thì hoặc là bố, hoặc là tôi cắt chấu. Thậm chí, lúc đã rời bố mẹ thoát ly. mỗi lần về phép, bố lại để dành những cái liềm xén do người ở xa đến thửa cho tôi cắt chấu, sau khi chính tay bố dũa cho tôi.
Bây giờ người nông dân quê tôi đã có máy gặt đập, không dùng liềm cắt lúa. Bố tôi đã về với trời xanh. Chỉ một đứa cháu ngoại còn giữ nghề kỳ cạch. Tôi nao lòng nhớ bố khi nghĩ lan man về cái liềm. Thầy Minh Tư ơi. bố em là một người thợ rèn nông thôn. Bố em dậy em dẽ liềm để phụ việc kiếm ăn cho gia đình thời ấy.
Cái liềm gắn bó máu thịt với người nông dân là vậy. Có nhiều người đẻ con gái còn đặt tên là Liềm cơ mà. Những "cái Liềm" ở làng đã tiếp nối sinh con sinh cháu, hát mãi những bài dân ca tuyệt hay mà không một nhạc sĩ nào không cúi đầu trân trọng. Cũng có những "cái Liềm", ra thị thành đi học, giờ là những trí thức, văn nghệ sĩ với những cái tên nhiều từ và nhất định không phải là "cái Liềm".
Không biết Nông Trường Chí Linh ngày xưa có dùng nhiều liềm không?. Biết đâu cũng có những cái Liềm, giờ mang tên sông tên núi rồi, hihihi./.
Hay lắm bạn à! Rất nhiều chất tự sự.
Trả lờiXóaNKN