Nghe bạn giới thiệu, đã vào trang Tri ân
xem "ké" từ mấy tháng rồi. Hầu như ngày nào cũng mở xem có gì mới
không. Thấy bài của người quen như thầy Tuân, các bạn cùng học như Xuân Thảo,
Nguyệt hay Tô Hà thì phải xem ngay, thích lắm.
Rồi bạn rủ về họp mặt. Tự nhiên thấy chông
chênh.
Muốn được gặp lại những người quen.
Bạn nhưng ít gặp dù ở quanh Hà Nội như
cánh Nguyệt, Khoản. Thì mỗi thằng một hoàn cảnh. Đều là cánh đã về hưu mà đâu
có dễ bốc lên là đi được. Nhớ lúc mới chuyển cả nhà lên Hà Nội, ở trong ngõ hẻm
thuộc Khương Trung. Đường vào chỉ đi vừa cái xích lô, lại hơn chục ngả rẽ ngoằn
ngoèo như trận đồ bát quái. Mình chuyển đến hôm trước, hôm sau về muộn khi trời
đã sập tối, loay hoay mãi cả chục phút hết ngõ nọ đến ngõ kia mà cũng không tìm
ra ...nhà mình. Có người dân cảnh giác, thấy mình lượn lờ mấy lần, hỏi anh tìm
nhà ai. Chả lẽ lại bảo tôi tìm nhà tôi!. Chán thật. Thế mà chúng nó tìm được và
kéo đến nhà chơi mới tài. Xe máy nổ ầm cả xóm, mấy con chó nhà bên được dịp lạ,
sủa nhặng cả lên. Hôm ấy nhà bé tin hin, không bàn ghế, trải cái chiếu cũ trên
nền đất. Món ăn chẳng có gì ngoài lạc rang, mấy bát canh khoai nấu xương mà mấy
thằng làm hết can rượu mang ở quê ra. Đêm muộn mới về, ngõ hẹp, xe máy chở nhau
suýt lao gẫy cổng nhà hàng xóm. Giờ đã hơn hai chục năm qua rồi. Nhiều lần đã
cùng ngồi nhậu với nhau ở những chỗ khác, thức nhắm ngon, rượu bia có nhãn mác
hẳn hoi mà chưa có cuộc nào để lại ấn tượng như hôm ấy. Thì lúc mới lên Hà Nội,
bơ vơ, chưa quen biết ai. Vợ con còn ngơ ngác như "gà con lạc mẹ" các
bạn học tìm đến chơi sao mà không cảm động. Chẳng biết hôm ấy mấy thằng
"chém gió" thế nào, động viên ra sao mà bà xã vui và tự tin hơn hẳn.
Sáng sau bảo mình: “em phải kiếm việc gì làm, người ta sống được thì mình sống
được”. Chả bù hôm trước, nàng bảo: “em đưa con lên cho anh thôi, bố con anh
nuôi nhau, em về với ruộng vườn, chứ ở đây mà chết đói cả nút à” (!) Mà chúng
nó thì hoàn cảnh cũng na ná vậy. Có đứa còn vất vả hơn ấy chứ, nhất là thằng
Khoản. Rồi thời gian trôi đi, mọi khó khăn hội nhập cũng lần lượt qua đi. Bọn
trẻ con rồi cũng lớn lên, đi làm, lấy vợ và sinh con.. cuộc đời một thoáng đã
hai mấy năm...
Thầy cũ và Cô giáo cũ trong xóm Tri Ân,
nhiều người mình biết chứ. Và muốn gặp.
Thầy Tuân dạy văn nổi tiếng ở Cấp 3. Mình
không được học trọn vẹn cấp 3 và không được ở lớp thầy, nhưng biết rằng văn học
dân gian, Truyện Kiều, các tác giả Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu
thì thầy Tuân giảng hay lắm. Học trò thích học văn cũng là vì thầy giảng hay.
Mình đã có lần ngồi ngoài cửa sổ lớp bên cạnh để nghe thầy giảng Kiều, quên cả
về giờ học kỹ thuật bên lớp mình. Rồi các thầy còn làm báo bảng ở sân trường,
học sinh luôn chen nhau ngồi chép. Những áng văn thơ cổ đặc sắc làm nội dung
tham khảo tuyệt hay, không phải của "Ông Đồ" Tuân chuẩn bị thì còn ai
vào đấy nữa. Nhiều lúc nghĩ, các thầy gieo vào mình lòng yêu văn học, giác ngộ
văn hóa và nhân cách một cách từ từ, dung dị mà chắc chắn biết bao.
Thầy Minh Tư dậy toán lớp A, nhưng thỉnh
thoảng thầy dậy lớp mình. Số là cái lớp C (khóa 69-72) long đong lắm. Môn toán
do thầy Tạc, hiệu phó, Bí thư chi bộ nhà trường đảm trách. Nhưng thầy hay đi
họp, nên các thầy khác phải dậy thay. Nhớ thầy Tư, da ngăm ngăm, nói nhanh,
viết bảng nhanh. Thầy quen giảng cho lớp A, toàn bọn giỏi, lớp mình theo vất vả
lắm. Giờ toán chả bao giờ biết trước là thầy nào dậy. Hôm thì thầy Hùng, hôm
thì thầy Tư. Cứ trống vào lớp nhìn con đường nhỏ dưới khu giáo viên đi lên,
đoán già, đoán non thầy này, thầy khác. Chỉ đến khi thầy bước vào lớp mới chắc
dậy lớp mình. Thầy Tư ít kiểm tra miệng, nhưng hỏi những câu sợ lắm. Nhìn thầy
rê rê cái bút trong sổ, thằng nào cũng run. Danh sách học sinh theo vần ABC,
mình ngồi bàn đầu, áng chừng sắp tới vần N là tim đập thình thịch. Có lúc thầy
đã lướt qua, thở phào, nhưng rồi chẳng gọi tên trò nào, bút của thầy lại rê
ngược lên, khiếp vía.
Thầy Hùng dậy Hình học cực hay, trình bày bài
giải trên bảng còn đẹp bằng mấy học trò làm trên giấy. Sau này mình luôn gắng
theo mẫu ấy của thầy. Bài nào không làm được thì thôi, đã làm là rất đẹp, bao
giờ cũng ăn điểm tối đa.
Thầy Tạc ít dậy, không có đặc điểm nào
đáng nhớ hơn là thầy nóng tính. Đứa nào hay nói chuyện riêng rất dễ bị ăn một
viên phấn. Nhớ ngày đầu vào lớp 8, thầy hỏi: "ai tổng kết toán 5 giơ tay
lên" (điểm cao nhất hồi đó). Cả lớp hơn chục cánh tay giơ lên. Mình học
toán cũng khớ mà chỉ tổng kết 4 cộng (4+), huých thằng Thu ngồi cạnh bảo:
"nhiều thằng giỏi nhỉ". Dứt lời, ăn một mẩu phấn vào trán đánh cốp và
một câu quát: "hai cậu kia đứng dậy. Không muốn học thì ra ngoài" ,
sợ chết khiếp. Sau một tháng, hóa ra chúng nó cũng giỏi vừa thôi. Mình được
thầy Tạc rất quí và gọi là: "con gà chọi của tôi" và cử mình làm Cán
sự môn toán (ghê chưa?). Giờ thầy đã về với thiên cổ. Mỗi lần về quê, đi qua
nhà thầy, lại nhớ thầy quá đi thôi.
Môn toán được học vất vả vậy nhưng cũng
giúp mình vượt qua kỳ kiểm tra vào lớp 10 bổ túc văn hóa sau khi kết thúc chiến
tranh. Bài kiểm tra đơn giản lắm: một bài rút gọn dùng 7 hằng đẳng thức đáng nhớ, một
bài hình tính độ dài một cạnh, một bài lượng ngắn, cậu nào nhớ được: "cốt
cộng cốt bằng 2 cốt cốt" là giải được. Thế mà đến quá nửa phòng thi lại
quên, hỏi nhau cứ loạn cả lên. Mình viết xong trước 10 phút, nộp bài ra sớm.
Thầy nhận bài, liếc qua bảo; nhớ giỏi đấy. Sướng đã đời. Sau này học toán cao
cấp trong đại học, rồi học chuyên ngành kỹ sư kết cấu, kiến thức toán đòi hỏi
rất nhiều. Nhớ lại những ngày học toán cấp 3, lại nhớ thầy Tư, thầy Hùng, thầy
Tạc…
Suốt cả tuần cứ háo hức mong đến ngày 22/9.
Hà Nội có mấy thành viên của xóm Tri ân mà rồi hôm ấy cũng mỗi người đi một
cách. Sáng sớm, trời mưa to. Thằng cháu rủ về vì nó có việc nhà, nhưng phải đi
lối Hải Dương và đi trước 5 giờ sáng. Thôi cũng tốt, chứ ra đường mà ngóng xe
khách chả biết bao giờ mới đến nhà. Đi thì đi thế thôi, chứ cũng còn đang phân
vân lắm. Hay là mình đến thật muộn nhỉ, để mọi người qua phần họp gặp mặt hay
diễn văn gì gì đó đi. Cứ nghĩ đã là gặp mặt một năm một lần thế nào chả có phần
lễ lạt, mình dự phần ấy có vô duyên không. Lại sợ về dự thì vui nhưng rồi chả
đóng góp được gì cho xóm, lại ngại. Đang loay hoay thì cô Trưởng xóm gọi, thấy
mình nói đang về, có thể đến muộn. Nàng phán một câu xanh rờn: “muộn cũng được,
nhưng phải có mặt”. Thế là hết đắn đo.
Đến cửa khách sạn Sao Đỏ, đã có Trưởng ban
tổ chức đứng đón ở thềm. Cái bắt tay nồng ấm làm mình thấy tự tin hơn. Vào sảnh
nhìn thấy một loạt bô lão ngồi trên mấy ghế sô pha mà chẳng quen ai cả.
Nhưng rồi được giới thiệu. Ông cao lớn ngồi kia với cái máy trợ thính
luôn kêu lẹt xẹt là thầy Bùi Trác Trường. Ông ngồi cạnh, trông hiền hiền và nho
nhã là cây viết thơ rất khỏe Văn Nhã. Đối diện là bác Hiểu, vợ chồng thầy Mạnh.
Trông trong avatar thầy Mạnh có vẻ phong trần lắm mà gặp người thực thì thấy
không phải vậy. Chắc tại cái áo phông khoe bắp tay trong bức ảnh làm mình lầm. Bác
Sử, vừa trông thấy mọi người đã gọi kèm với biệt danh: người đàn ông chung thủy
nhất hành tính. Chà, chắc là có nguyên cớ chi đây. Ngồi cạnh là nhà thơ Tạ Anh
Ngôi. Mình xem trong trang thì thấy ông này cũng chịu khó post bài và ảnh lắm. Cô
Trưởng xóm xăng xái lo gọi nước uống, kéo bàn ghế ngồi đợi cho mọi người gần
nhau và có ý làm mình bớt cái bỡ ngỡ ban đầu với xóm. Tô Hà giới thiệu người chị
em mang một cái tên rất đẹp: Thi Nhân. Mà không chỉ tên đẹp. Một chút miền
Trung làm sáng cả căn phòng. Rồi mọi người lần lượt đến. Vợ chồng thầy Tuân, cô
Song Thu đây rồi. Thầy ôm theo một bọc to, ồn ã tay bắt mặt mừng với mọi người.
Bạn Thế, một người liên quan đến khởi thủy của trang Tri ân đến, dáng người vẫn
cao to mà già hẳn đi sau tang lễ bà mẹ. Rồi Khoản và Quý đến. Một người tóc bạc
trắng mà phong cách rất trẻ, khập khễnh đi bên ông bạn tề chỉnh như quan chức.
Hai người cũng là được bạn bè rủ về dự lần đầu nhưng gặp thầy, gặp bạn cũ vui lắm.
Trời vẫn mưa nặng hạt, nhưng người được mong chờ đã đến. Nguyệt đeo túi dết đội
mưa bước vào. Đó cũng là một nhân vật trong nhóm tổ chức buổi gặp mặt nên vội
vã hết thì thầm với Trưởng xóm lại bàn bạc gì với nhân viên khách sạn. Cái túi
dết căng phồng hóa ra là mấy quyển sách rất dầy. Mình đoán là sách mới, chắc
tác giả lại bỏ tiền mua thêm để tặng đây mà. Một người đi xe máy từ Bắc Giang
xuống là bác Phong, cũng là người nặng tình ân nghĩa với xóm này.
Dù còn đợi vài người, nhưng đã hơi muộn, ban tổ chức mời mọi người vào
phòng trong. Bốn cái bàn tròn xếp trước một tấm phông lớn với dòng chữ Họp mặt
xóm Tri Ân năm 2015 (phần này xem trong video của nhà thơ Tạ Anh Ngôi thì rõ
hơn). Căn phòng ấm cúng thật phù hợp với không khí buổi gặp mặt. Rồi cô Trưởng
xóm giới thiệu thầy Tuân mở màn. Ông giáo già mà tâm hồn lạc quan, sức nghiên cứu,
đọc và viết người trẻ còn khó theo kịp. Mấy câu chân tình càng tạo sự gần gũi
cho mọi người. Thầy Tuân đã chuẩn bị một bộ 4 quyển mới in làm quà tặng cho những
người mới. Mình cũng sung sướng được nhận một gói sách do chính tay thầy ký tặng.
Giọng thầy mấy chục năm mình vẫn thấy quen, chậm rãi, rõ rang đầy cuốn hút.
Đúng lúc đó thì nhà thơ Thanh Dạ xuất hiện. Trông ông nhỏ bé hơn mình tưởng tượng,
mái tóc dài, đuôi mắt như cười, mình thấy ông nhang nhác giống nhạc sĩ Phan Huỳnh
Điểu. Khi chào hỏi từng người, mình nhận thấy ông cũng vui và đùa hóm hỉnh lắm.
Ông lôi ra một quyển lịch lốc to gần cỡ giấy a4 và bảo: “Tớ viết nháp thơ luôn
vào mặt sau từng tờ lịch cho dễ nhớ ngày tháng”. Mình liếc nhìn thấy nét chữ
nghiêng viết vội, nhiều gạch xóa mà rụt đầu lè lưỡi phục ông già. Hình như ông
có rót thử một chén rượu để bớt cái lạnh của mưa hay sao ấy. Trông ông thật nghệ
sĩ. Người đến sau cùng là thầy Minh Tư. Ông to béo hơn, chắc do tuổi tác, dù
khoe mới lăn lộn với cái nhà mới xây ở tận Đông Triều. Rồi lần lượt các thành
viên của xóm tiếp lời nhau sau một năm chỉ gặp nhau trên mạng. Mấy khách mới đến
được ưu ái giới thiệu và đọc thơ, coi như chính thức được vào xóm. Phần ăn uống
và vui văn nghệ sau đó thì giống nhiều cuộc gặp mình đã dự. Có khác chăng thì là
tiết mục ngẫu hứng đi vài điệu van của bạn Khoản, đúng với phong cách rất trẻ
mà mình từng biết.
Mọi người chia tay nhau và rời Sao Đỏ lúc trời đã ngớt mưa vào buổi chiều.
Ngồi trên xe về Hà Nội, một cảm giác hạnh phúc tràn ngập lòng mình. Cái ấm áp,
gắn bó bè bạn và thầy trò thật khó có gì thay thế được. Rồi cuộc sống đời thưởng
sẽ xô đẩy ta đi. Nhưng mỗi ngày mở trang Tri ân, như lại gặp những người thân
thiết kia. Đọc một bài viết, xem một bức ảnh lại sẽ thấy cả con người, sẽ có một
nguồn năng lượng vô hình sưởi ấm lòng ta. Lòng biết ơn, đúng thế, là một phẩm
chất của con người. Những gương mặt cũ mới của xóm lần lượt hiện ra trong một
tâm trạng lâng lâng thật khó tả. Nhớ câu thầy Tuân nói khi kết thúc: cần có
thêm nhiều thành viên, cần những gương mặt mới. Mình là người mới đây rồi,
nhưng có góp được gì mới cho Trang Tri ân không đây…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét