Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

thư mời gửi xóm Nam

Thư gửi xóm Nam
Chào các cô nương, đầu thư chúc các cô luôn tươi tắn, nhỏ nhắn và may mắn...
Dạo này Thầy hay đưa ra các vế đối, mà lại ngày càng khó nhằn. Nghị nghĩ ngợi ngổn ngang mà chẳng bao giờ hoàn chỉnh lời giải. Chợt nghĩ, thế giới người ta khuyến khích “làm việc theo nhóm”, tại sao chúng ta lại không thử “nối tay” thành một bọn, ai nghĩ được cái gì thì đưa ra thảo luận trước với nhau, bổ sung cho nhau, chỗ thừa bù chỗ thiếu, chỗ đúng chữa chỗ sai. Chúng ta làm việc theo nhóm chứ quyết không phải theo “lợi ích nhóm”. Nếu Thầy thưởng bữa thịt chó, Nghị xơi được thì xơi thay cho nhóm, một phần sẽ “qui ra thóc” theo kiểu “trà đá, trà chanh, trà Dr Thanh” chẳng hạn, rồi đến mùa Quít gặp các cô nương sẽ chiêu đãi mệt nghỉ. Về danh xưng của nhóm cứ đề tên là “Anh Hà Hương Nghị”, biết đâu Xóm Tri Ân lại ngỡ ngàng có anh Nghị nào mới, họ Hà, tên đệm là Hương, chứ không phải cái anh chàng Nghị, con ông lò rèn ở Ngã tư Giang, thấy họ Đỗ sang thì bắt quàng làm họ.
Nói thật, anh thấy sức nghĩ của mình có hạn, cũng muốn liên kết bạn lâu rồi. Có ông bạn Lính Chiến thứ thiệt, rất khỏe, viết khỏe, làm việc khỏe, chữ nghĩa đã có một kho “nho nhỏ”. Có ông bạn nối khố khác, từng sống chết có nhau, giờ suốt ngày dê với rượu cho người ta, cũng không thiếu tâm hồn thi sĩ, từng được đăng thơ trong tập “Hoa đèn”. Nhưng bọn anh chỉ gặp nhau uống rượu là thích thôi chứ “nam châm cùng cực”, làm việc nhóm thì...
Thế cho nên anh mời các cô nương hiệp tác.
Thầy ra vế này:
TẾT TÂY RỒI LẠI TẾT TA, TẾT TẾT TIỆC TÙNG TƠI TẢ
Nghị thử đề xuất mấy ý, các cô nương tham gia cùng hoàn chỉnh nhé.
1/ LÀNG LÁNG CHO ĐẾN LÀNG LỦ, LÀNG LÀNG LỄ LẠT LUNG LINH
2/ NGƯỜI NGAY MẶC THÂY NGƯỜI NGHIỆN, NGƯỜI NGƯỜI NGHĨ NGỢI NGỔN NGANG
3/ THẦY THỢ VỚI CẢ THẦY THƠ, THẦY THẦY THIẾU THỐN THẢM THƯƠNG
Nếu được các cô hay chữ cùng chung sức, ắt hẳn sẽ có thưởng to. Mong lắm, mong lắm.

          Chào thân ái và quyết thắng.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

MẦU XANH NGÀY XA

Gặp em chiều ngày đông
Phố dài hun hút gió
Rét năm nay muộn thế
Bao giờ mới lập xuân
Đào đã nở tưng bừng
Quất nhà ai héo quả
Hai đứa ngồi quán nhỏ
Áo em mầu thiên thanh
Ôi mầu xanh, mầu xanh
Nhắc anh ngày xa ấy
Em đưa tay vẫy mãi
Áo em lẫn mầu trời
Đi gần hết cuộc đời
Gặp lại ngày buốt giá
Thời gian trôi lặng lẽ
Áo mầu xanh, xanh, xanh...

28/12/2016

Lại theo hầu Thầy Tuân

Viết tiếp vào phần nhận xét của bài Thầy khoe được tặng cái nón cũng được nhưng thôi cứ đăng lên đây theo kiểu bài viết mới cho nhiều người bắt buộc phải đọc, hehehe.
Vế xướng của Thầy là:
NHÀ THƠ LÀM VƯỜN ĐỘI NÓN BÀI THƠ
Cái khó của câu này ngoài hai chữ THƠ, còn 3 từ liên tiếp tạo thành một danh từ NÓN BÀI THƠ. Lúc đầu, không hiểu hết em viết vế họa lại theo kiểu hàng chợ, hàng nhái:
NHÀ BÁO CHẠY MƯA CHE ĐẦU TỜ BÁO
Hoặc như sau:
NGHỆ SĨ SẮM ĐỒ VÊNH VANG BỆNH SĨ
Câu này cũng được Thầy chỉ ra cái sai rồi. Giờ em làm thêm hai vế nữa, cố khắc phục cái đuôi 3 chữ khó nhằn kia, tất nhiên mới chỉ tìm từ mà chưa thật có ý.
NHÀ THƠ LÀM VƯỜN ĐỘI NÓN BÀI THƠ
ÔNG LÃO ĐÁNH GIANH LỢP NHÀ DƯỠNG LÃO
câu nữa là:
NHÀ THƠ LÀM VƯỜN ĐỘI NÓN BÀI THƠ
MẸ MƯỚP CHẶT TRE DỰNG GIÀN BÍ, MƯỚP
Thực ra, lúc đầu em định dựng lên một cảnh sinh hoạt vui, nhưng nó cũng mắc lỗi như mấy câu ban đầu. Sai rồi nhưng cứ viết ra cho hết:
NHÀ THƠ LÀM VƯỜN ĐỘI NÓN BÀI THƠ
MẸ MƯỚP NGỒI CHỜ TAY BÊ RỔ MƯỚP.

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Trên bờ sông nắng

Vui buồn không còn sẻ chia
Thế là xa lơ, xa lắc
Lo toan cuộc đời thường nhật
Ai đang tất bật sớm chiều
Nào ai có buông dây diều
Vẫn biết trời cao gió gọi
Dòng sông bao nhiêu bến đợi
Trách đâu chỉ một con thuyền
Khác nhau bởi một chữ Duyên
Ơ kìa, bờ sông đầy nắng,,,
                      21/12/2016

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Gửi bạn về Nam

Tam cô nương đi về phía trời mưa
Ở ngoài này bao nhiêu người nhắc
Thân gái dặm trường lại đi Việt dét
Sao không ai là Cục trưởng hàng không?
Mà làm gì, cục trưởng cục hai nhăm
Mà làm gì, giám đốc Nha khí tượng
Mà làm gì, lái xe tăng thời chiến
Người thương "dì" nhất lại yếu chân
Về đi thôi, với lũ lụt miền Trung
Về đi thôi, với lo toan thường nhật
Hẹn một ngày lại về đất Bắc
Về với nhà mình ở xóm Tri Ân,,,
20/12/2016

Cảm xúc 50 năm

Đó là một ngày hội. Không, đó là những ngày hội mới đúng. Đối với các thế hệ thầy và trò trường cấp 3 Chí Linh trước đây và Trung học phổ thông Chí Linh ngày nay thì đúng là như vậy.
Cái thị xã miền bán sơn địa này đã có những ngày sôi động và vô cùng đáng nhớ không chỉ với những người làm thầy, những học trò. Mấy ngày lễ hội thực thụ đó là dành cho rất nhiều người.
Dịp đầu năm, các cựu học sinh Chí Linh tại Hà Nội đã đón đại diện của Trường để trao đổi về chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 50 năm ngày thành lập. Hôm đó tôi đang nằm viện, bạn bè í ới gọi qua điện thoại mà không đến được, thật tiếc. Nhưng cũng từ hôm ấy, trí não bắt đầu già nua của tôi đã âm ỉ phục dựng lại một thời niên thiếu đói ăn mà ham học gắn với Trường cấp 3 Chí Linh. Những hồi tưởng ấy cứ đến tự nhiên, cả trong giấc ngủ, chẳng cần đợi tôi cố sức làm gì, cứ từng lúc, từng lúc ẩn hiện, đưa tôi về với những năm tháng ấy, với những bồi hồi, xốn xang như lúc tuổi mười lăm...
Thế là nảy sinh nhu cầu tìm bạn cũ. Đâu rồi những bạn trai bạn gái ở cái lớp 8C và 9C của tôi. Từng ấy năm chưa gặp lại, giờ các bạn ở đâu?
Tôi vào lớp 8 năm 1969, sau một năm ở nhà quai búa, thổi bễ lò rèn cùng bố. Cái năm thất học ấy chỉ làm tôi học chậm lại chứ không thể làm mất đi cái ham học của một cậu bé nhà nghèo. Niên học 68-69 trước đó, trường cấp 3 chỉ xét tuyển theo hồ sơ chứ không thi tuyển. Tôi bị loại vì không đủ tiêu chí. Chính thức thì là do tôi thi tốt nghiệp cấp 2 với môn văn bị điểm liệt, trong khi 3 môn còn lại đều đạt điểm cao nhất, và tôi được xét vớt tốt nghiệp. Thế thì không được tuyển vào cấp 3 là đúng quá còn gì. Cái cảm giác ấm ức và tủi hổ như một nỗi đau trong ngày công bố kết quả ở sân trường cấp 2 Tân Dân còn mãi đến giờ, khi cô Hiệu Phó đọc danh sách từng học sinh với giọng đều đều, đến tên tôi, bỗng giọng cô cao hẳn lên, gằn tách từng tiếng, chậm rãi: “Đỗ Văn Nghị, lớp 7A, vớt đợt 1”. Học sinh giỏi toàn diện của trường 3 năm liền, học sinh giỏi văn cấp tỉnh Hải Hưng còn ghi trong học bạ kia, sao lại trượt môn văn? Chắc là lạc đề, bạn bè an ủi tôi thế. Rồi cũng chẳng có phúc khảo, phúc tra gì nên tất cả chỉ là dự đoán thế thôi.
Cái cú trượt ấy có lẽ là thử thách lớn nhất đầu tiên trong cuộc đời và nó hình như lại càng thôi thúc sự thèm khát học hành chăng? Năm sau, tôi đã dự thi và đỗ thẳng vào trường mà chẳng có nhiều ngày tự ôn lại bài vở. Cổng trường cấp 3 đã mở ra với cậu bé con nhà lò rèn như thế thì làm sao mà không sung sướng cho được?
Ngày tựu trường đầy háo hức của tôi là một ngày đặc biệt, mùng 4 tháng 9 năm 1969. Bố đánh thức tôi dậy từ lúc 4 giờ sáng. Mẹ tôi phá lệ, nấu hẳn một niêu cơm nếp vào một ngày thường. Chưa đến 5 giờ sáng, với gói cơm nếp mẹ trao, tôi rời nhà cuốc bộ vào xóm Đồi Thông, cái địa chỉ mà ngày hôm qua khi nhắc đến, nhiều người đã rơi nước mắt.
Chẳng có ai quen biết, tôi một mình ngơ ngác trên khoảng sân lớn trước dãy nhà lá của trường nằm bên chân đồi. Khoảng chừng hơn 7 giờ thấy một đoàn các thầy cô từ trong phía xóm đi ra, dẫn đầu là người mà sau đó tôi biết là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hải. Trên cánh tay mọi người đều có dải băng đen. Chúng tôi nhốn nháo sắp hàng theo lớp. Thầy Hải cất giọng nghẹn ngào: “Các em thân mến, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã mất”. Cả sân trường im lặng như tờ, giọng thầy lạc đi, trĩu nặng. Đầu tôi cũng như u mê, chỉ còn nhớ là hôm đó chúng tôi được phổ biến ngắn gọn về để tang Bác và giải tán. Khi về đến phố Thiên, tiếng nhạc hồn tử sĩ từ radio nhà ai đó vọng ra, nghe thật não nề. Ngày đầu tiên vào trường là ngày nghe thông báo Bác mất, làm sao tôi quên được.
Học kỳ đầu tiên chúng tôi, lớp 8C, học ở Đồi Thông như thế, để rồi đầu học kỳ 2 trường chuyển lên vị trí hiện nay ở Sao Đỏ, với những dãy nhà tranh, vách đất giữa rừng bạch đàn mới vài năm tuổi khẳng khiu. Cái nếp quen thuộc ngày ấy là học buổi sáng, một số buổi chiều thì lao động lấy cát hoặc đá ở con suối cạn mang về xây dựng trường. Có những buổi trưa, theo các bạn lên mấy quả đồi hái sim. Có lần còn mò vào tận chùa Hun chơi, lúc về ngang rừng dọc, vặt mấy quả gần chín ăn với nhau. Lúc gặp mấy chú dân quân bị khám túi, tuy mấy quả định đem về cho bạn đã kịp vứt đi, nhưng họ bắt nhe răng ra, thằng nào bám nhựa vàng là được thưởng cho một cái bớp tai đến hoa cả mắt.
Trước dịp lễ kỉ niệm vài ngày, tôi lại lăn đùng ra ốm. Trời lạnh quá, lại có gió và mưa phùn, thế là cảm lạnh, thế là ho. Hai ngày co ro trong chăn với đủ mọi cố gắng điều trị cấp tốc của bác sĩ “vợ”, may sao đến chiều 16 mồ hôi vã ra như tắm, đầu nhẹ hẳn. Tôi lau người bằng nước ấm, đánh được bát cơm chan canh và thêm vài viên thuốc nên sáng 17 kịp theo các bạn ở Hà Nội nhằm hướng Chí Linh thẳng tiến. Ở đấy có nhiều người đang đợi chúng tôi. Cái háo hức thật khó tả bằng lời.
Tại khách sạn Sao Đỏ, nhóm chúng tôi từ Hà Nội về cùng mấy bạn từ trong Nam ra vừa kết thúc một cuộc gặp gỡ thì mấy xe to kềnh càng vào sân và rất nhiều người xuống sảnh. Thì ra, xe của Ban tổ chức đón các thầy cô ở Hà Nội, Hải Dương về dự ngày hội trường. Tuyệt vời thế, chúng tôi thành những người đầu tiên cùng Ban tổ chức đón các thầy cô. Thầy Nguyễn Văn Hải kia rồi, mái đầu bạc trắng, nước da vẫn hồng hào, đi ngay sau là cô Điểu, thầy Thịnh và nhiều người khác mà tôi chưa kịp nhận ra. Đám học trò giờ cũng đầu điểm bạc ùa ra, tay bắt mặt mừng, rối rít, nhiều người ôm lấy các thầy cô giọng cứ nghẹn đi, thầy ơi, cô ơi, thầy ơi, cô ơi, ồn ào, gấp gáp. Rồi mọi người cứ đứng hết cả ở gian sảnh mà hỏi chuyện nhau, mà nhớ ra nhau. Ban tổ chức thật vất vả sắp xếp chỗ ăn nghỉ trong khung cảnh náo nhiệt ấy. Gần 50 năm, bụi thời gian làm già nua gương mặt. Thầy cô không nhận ra đúng tên nhiều trò cũng là lẽ thường tình, mà ngay cả học trò một số người cũng ngỡ ngàng và tự trách mình sao chưa nhận ra tên một thầy cô nào đó. Tôi chỉ nhận ra Thầy Hải, cô Điểu, thầy Thịnh, cô Tú. Hỏi một bạn đứng bên mới biết thầy Vĩnh đang đứng trong nhóm mấy học trò. Tôi chạy đến, cúi đầu chào thầy bằng tiếng Nga. Ôi cái ông giáo chỉ dạy tôi có một năm ấy, đã gieo vào tôi tình yêu tiếng Nga sâu sắc đến thế và có thể nói không ngoa rằng chính tình yêu tiếng Nga đã làm thay đổi cuộc đời tôi về sau.
Cô Tú thì đã về trước mấy chục phút, giờ cũng cùng thầy Thịnh, thầy Tuân, cô Song Thu và các thầy cô khác vào Trường dự Giao lưu cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Đám học trò tản ra, đứa theo lớp đi liên hoan, đứa vào khu trại dành cho từng khóa tìm bạn, cứ lang thang hết chỗ này chỗ khác trong sân trường.
Đúng là ngày hội thật, chiều 17 đã rất vui. Các cháu học sinh ở sân chung trước các trại chơi ném còn, nhiều nhóm con trai con gái đá cầu, trêu đùa nhau ầm ĩ. Cứ có khách vào trại mình là chúng lại ùa về như đàn chim tíu tít hỏi han, mời uống nước, mời ăn trái cây và lấy điện thoại ra xin chụp ảnh thật đáng yêu.
Tự dưng tôi muốn một mình lúc này. Có cái gì đó dào dạt trong tôi không muốn bị ảnh hưởng bởi người khác. Lặng lẽ rời mấy đứa bạn thân, tôi đi thật chậm, từng bước, từng bước một trên sân trường. Cái ồn ào vẫn náo nhiệt xung quanh, nhưng trong tôi lại có một sự yên lặng đến kỳ lạ. Thỉnh thoảng, giống như trong một căn phòng đóng kín, cánh cửa sổ mở ra, tiếng ồn ngoài phố ùa vào. Cánh cửa sổ khép lại, âm thanh tự dưng biến mất. Tôi đang giữa sân trường náo nhiệt mà lòng yên tĩnh đến thế, chỉ thấy những hình người đang đi, các cháu học sinh đang chạy nhẩy, chen nhau chụp ảnh mà không có tiếng động, lạ thế. Đây rồi, cây xà cừ đã 45 năm tuổi sừng sững trên sân trường, vươn tán lá che kín cả một khoảng sân rộng. Nghe nói nó được trồng vào cuối tháng 5, đúng ngày bế giảng khóa 68-71. Mấy cây phượng đã được dời đi chỉ còn cây xà cừ này được giữ. Giá có cách gì để hiểu được ngôn ngữ của cây, để tôi hỏi cây đã chứng kiến gì suốt 45 năm ấy? Để hỏi cây có còn giữ được hình ảnh về cái lớp 9C của tôi với Bí thư chi đoàn Xuân, với đám học trò Tân Dân, An Lạc, Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Hưng Đạo. Để tôi hỏi cây về người bạn gái mà tôi thầm yêu vụng nhớ ngày ấy... giờ này em đang ở đâu?...
Chiều muộn tôi trở về Hà Nội. Tự nhủ, ngày mai tôi sẽ mặc bộ quân phục mới nhất đã treo trong tủ từ hai năm nay. Với một lễ trọng như thế này tôi muốn mặc lại bộ quân phục đã gắn bó cả cuộc đời tôi từ ngày nhập ngũ năm cuối lớp 9. Cái ngày mà tôi nhớ như in ấy là 12/5/1971.  Buổi chiều, cả lớp 9C đã đến nhà tôi ở Ngã tư Giang, xã Tân Dân để tiễn biệt người lớp trưởng của mình ra trận. Các bạn về rồi mà vẫn còn mấy bạn gái ở lại cả buổi tối và chúng tôi cứ xoắn lấy nhau nói đủ mọi chuyện cho tới đêm khuya. Sáng hôm sau, tôi lên đường, mấy bạn đi học qua còn ghé vào chào tôi lần nữa: “đi nhé, chân cứng đá mềm, lập chiến công nhé, nhớ viết thư về”. Vâng, tôi đã vào miền Nam chiến đấu với lời nhắn nhủ ấy và một lá thư chung về cho cả lớp 9C. Tôi còn quá ngây thơ và vô tư để không biết rằng có người bạn gái đã mỏi mòn chờ thư riêng của tôi. Còn chiến công ư? Tôi chẳng lập được chiến tích gì đặc biệt, có chăng chỉ là đã vượt qua lửa đạn, gian khổ, ác liệt, làm tròn bổn phận một người lính ở ngoài mặt trận và sống sót trở về. Tôi muốn mặc bộ quân phục để các bạn cũ dễ nhận ra tôi và cũng để tôi báo cáo với cả lớp: “Lớp trưởng đã hoàn thành nhiệm vụ của người lính trong suốt 44 năm và hôm nay, ngày hội của mái trường thân yêu, lớp trưởng 9C có mặt ở đây cùng các bạn”.
Sáng 18 về rất sớm. Thời tiết thật đẹp. Giữa mùa đông mà trời trong sáng, không lạnh. Hay là ông bạn tôi, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn có bùa phép gì đây mà buổi sớm trong lành đến thế. Chúng tôi trêu đùa nhau trên xe, cứ mày mày, tao tao như thuở nào. Vị tiến sĩ khai khoa trường cấp 3 Chí Linh là người có xe cho chúng tôi đi cùng hôm nay diện một bộ comple mầu tối như chính khách. Mà nó là một chính khách chứ còn gì. Bao năm đứng đầu một ngành quan trọng thế của đất nước, thường xuyên làm việc với lãnh đạo đất nước và các chính khách quốc tế cơ mà. Ông bạn lính xe tăng chính hiệu của tôi thì diện bộ xám nhạt rất nhã, khác hẳn với cái áo khoác và quần vải thô “bụi bụi” thường ngày. Hóa ra không ai bảo ai, chúng tôi đều mặc thật đẹp. Suốt chặng đường dài, những câu chuyện về thời học sinh cứ quay đi quay lại giữa chúng tôi. Về đến Sao Đỏ dù còn sớm trước giờ, nhưng bạn bè các khóa đã réo trên điện thoại. Thế là bỏ cả ăn sáng, ba thằng hòa vào dòng người nườm nượp đổ vào cổng chính trang hoàng rực rỡ cờ hoa.
Buổi mít tinh với lễ nghi giống như nhiều hoạt động tương tự ở các nơi khác, nhưng có mấy điểm thật đáng kể. Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền từ cấp tỉnh trở xuống rất rõ nét khi Bí thư tỉnh ủy Hải Dương có mặt cùng các lãnh đạo khác của tỉnh và các ban, ngành. Với thị xã thì tất cả lãnh đạo đều ở đây. Sau lễ đón nhận Huân chương lao động hạng nhì, đ/c Bí thư tỉnh ủy đã đọc diễn văn chúc mừng. Phần cuối, ông không đọc trong văn bản nữa mà nói vo. Khi không còn lệ thuộc vào văn bản, ông mới diễn đạt trôi chảy được hết ý kiến của mình và rất thuyết phục. Ông cũng giao nhiệm vụ cho thầy trò Chí Linh phải phấn đấu lọt vào nhóm 3 trường mạnh nhất tỉnh. Tôi rất ấn tượng với phát biểu cảm tưởng của thầy Hải thay mặt các thế hệ giáo viên, khi ông nhắc tới những người thầy đã mất trong chiến tranh, khi ông kể về một người thầy đã đứng trong đội ngũ cùng một học trò của mình chiến đấu trên chiến trường Lào. Mắt tôi đã rưng rưng lệ khi ông nhắc đến sự đùm bọc và yêu thương của chính quyền và bà con nhân dân Đồi Thông dành cho nhà trường những năm đầu thiếu thốn.
Sau buổi mít tinh và liên hoan nhẹ, tôi bổ xuống trại của khóa 69-72 tìm bạn. Các cháu cho biết mọi người đã ra nhà hàng Hoa Lượng cách đó không xa. Tôi đã thấy một nhóm hơn chục người ở cái tầm tuổi lứa chúng tôi đang quây quần bên nhau ở một góc nhà hàng. Hóa ra, đó đúng là các bạn khóa tôi đang tìm. Nhìn qua một lượt tôi không nhận ra ai và cũng chưa ai nhận ra tôi. Đành phải tự giới thiệu và được các bạn tiếp nhận rất nhiệt tình. Thì ra đó là mấy bạn ở các lớp A, B và D. Không có ai ở lớp C cả. Tôi hơi bị hẫng. Thế là tôi vẫn chưa biết tin tức về bất cứ ai ở lớp C trừ mấy người cùng xã nhưng hôm nay cũng không có mặt. Chỉ một loáng, những rụt rè ban đầu qua nhanh, chúng tôi đã dần dần nhớ ra nhau. Đã 45 năm kể từ ngày tôi ra đi giờ mới gặp lại, chúng tôi chẳng dễ gì nhận được ra nhau nhưng những kỉ niệm chung về học hành, thể thao văn nghệ thì mọi người đều nhớ và chúng được nhắc lại một cách hào hứng suốt buổi chúng tôi bên nhau. Từ đây, tôi đã có một địa chỉ để đi về. Đây sẽ là điểm cầu để tôi tìm thêm các bạn lớp C của tôi.
Trên xe về Hà Nội, những câu chuyện vẫn còn rôm rả lắm. Ông bạn lính xe tăng ngả người trên ghế kéo bễ khò khò. Tưởng hắn ngủ hóa ra vừa ngủ vừa nghe, chốc chốc lại đế vào mấy câu rồi lại khò tiếp. Chúng tôi đã thực sự sống lại những năm tháng tuổi thiếu niên. Những ngày hội này sẽ là một nguồn năng lượng tiếp thêm cho chúng tôi sức sống mới, gắn bó hơn với nhau, gắn bó hơn với cội nguồn gốc rễ của mình, với nơi mà từ đó chúng tôi ra đi, thành người tử tế như hôm nay.

Kỉ niệm 50 năm trường PTTH Chí Linh đúng là những ngày lễ hội trong tôi và sẽ theo tôi rất nhiều năm nữa. Tôi sẽ kể cho con và cháu tôi nghe nhiều nữa về mái trường thân yêu này của tôi, Trường cấp 3 Chí Linh, cái tên gắn với thời niên thiếu của tôi./.
ngày 19/12/2016

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Giâu gia xoan

Ngắm bức ảnh con rồng đất - giâu gia xoan, hình dung nó quẫy đuôi như đang chực vượt qua bờ đất để bỏ ông mà đi, tự dưng thấy nao nao trong lòng...
Ngày bé, chùm giâu gia xoan là một món quà chợ của mẹ. Cái chùm quả nhỏ, vài quả còn xanh, mấy quả chín ương ương và những quả mọng mầu hồng sẫm, được buộc bằng một sợi rơm hay cái lạt sao mà quyến rũ thế. Mấy anh em xúm lại khi mẹ vừa đặt cái rổ đi chợ về, lấy chùm quả ra chia cho mỗi đứa vài dảnh, đứa bé nhất sẽ được phần nhiều nhất như lẽ tự nhiên ở cái nhà này. Mẹ không quên dành cho đứa đang đi học một phần xứng đáng. Rồi mẹ tất tả lo chuyện cơm nước bữa trưa của cả nhà và những người bạn thợ của bố. 
Bận phụ việc thổi bễ lò rèn nên nó tắc lẻm hết ngay. Cái Việt thì chỉ nhón vặt một hai quả rồi còn để dành cho đến tận sau bữa trưa, khi bố và mấy chú thợ đã ngáy khò khò sau bữa cơm, mới bày ra bán hàng. Thế là, chỉ cần vài mảnh giấy gập lại làm tiền, có thể mua được nhiều quả nữa từ cái hàng quà của cô em gái kém 2 tuổi. 
Cái ngày dễ đến hơn nửa thế kỉ rồi...
Lớn hơn chút nữa, mới biết đến cái cây cho loại quà quê dân dã ấy ở hè nhà ông thợ cắt tóc phố Chợ. Đúng mùa hoa nở trắng trên cây và rụng đầy cánh mỏng manh trên nền đất. Lá ấy, hoa trắng mịn màng ấy, mùi hương ngai ngái ấy, mới biết sao lại gọi là giâu gia xoan.
Một lần khác, đang là chiến sĩ huấn luyện ở huyện Kinh Môn, buổi đi gánh than cám từ bến sông về, chỉ với mấy hào mà cả tiểu đội được nửa mẹt giâu gia chín mọng của một bà cụ hàng nước bên đường. Món giải khát mấy chục năm rồi mà giờ ngồi gõ những chữ này vẫn còn ứa nước trong miệng...
Nhưng giờ thì không thấy ai bán nữa, ở đâu chứ phố xá Hà Nội thì không. Trẻ con giờ cũng suốt ngày trong trường, trong lớp và thứ quả quê mùa kia không còn hấp dẫn nữa. 
Thời gian trôi và mọi sự đã đổi thay rồi...
Ông giáo già hẳn là phát hiện ra cái thế rồng quẫy này vào lúc ngồi nghỉ cho ráo mồ hôi, sau một hồi cuốc đất, nhặt cỏ. Cứ hay đoán mò thế, vì để trông thấy cái cây trên bờ đất này thì có khi là trước đó rồi, lúc đang phát bờ hay dọn góc vườn kia. Nhưng nó chỉ thành rồng khi ông ngồi nghỉ và cái trí tưởng tượng phong phú, có chất thơ ca bay bổng mới choán lấy tâm hồn ông, Và chắc là ông vui lắm, ông chạy vào nhà lấy máy ra chụp và làm thơ để khoe với bà, khoe với trò, khoe với bạn Tri Ân.
Chắc là chẳng ai lại đi trồng cái cây ở chỗ cheo leo đến thế. Nó tự đến đấy chứ. Chợt nghĩ, cuộc sống thật nhiều sự bất ngờ, khó đoán định và lựa chọn biết bao. 
Một thằng bé con nào đó vừa ăn dỗ em gái được vài quả chín, đi qua đánh rơi xuống bờ đường? 
Một con chào mào vừa sổ lồng nhà ông đầu xóm, vớ được quả chín mọng ăn rồi nhả hạt xuống đây?...
Hay là... 
Nhưng dù sao thì cái cây ấy đang có thực. Nó bám cheo leo trên cái bờ đất và thoải mái vung bộ đuôi hoành tráng chờ gió lớn. Mùa hoa, chắc nó là Bạch Long Vĩ chứ chả chơi. Đất lành chim đậu, mà nay rồng đang ghé đến thế này cũng là sự lạ. Chim đậu rồi chim cũng bay đi. Rồng ghé đến rồi thăng cũng là lẽ thường tình. Nhưng dấu vết ấy của Rồng Giâu Gia ở vườn nhà ông giáo chắc sẽ còn mãi trong kho ảnh của Tri Ân Cuộc Đời và trong trí nhớ của đám học trò giờ cũng không còn chơi bán hàng và ăn dỗ em được nữa....

29/9/2016

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Xem bóng đá



Ngoại hạng Anh, Mờ-u đá muộn
Một mình xuýt xoa, tấm tắc giữa đêm
Vợ ôm gối ra nằm xem cạnh
Hay..hay, chồng, sao không thấy...
                                                      ...Hồng Sơn(?)

                                                            24/9/2016

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Đá vụng



 Thấy lũ choai choai đá bóng phát thèm
                                                   Trước tớ cũng gôn tôm hay phết
                                                   Nhẩy vào đá chừng mười lăm phút
                                                   Khập khiễng về, vợ hỏi, “tự nhiên đau” (!)
                                                                                                      9/2016


Ăn cưới



Bàn tiệc mười người chẳng có ai quen
Bia cứ rót, nhạc cứ ầm, đến khổ
Chờ mãi mới được chào gia chủ
Ai bảo cưới bây giờ “cơm bụi giá cao”?

15/9/16

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Nhiêu khê


Nhà cao tầng giàn hoa ở ban công
Cứ vươn hết ra ngoài tìm nắng
Ngày ngày tưới mà không được ngắm
Vợ bảo: ông gom tiền sắm lấy cái ... trực thăng..

18/9/16

Hoa hồng gai


Gai hoa hồng gẫy buốt lòng tay
Cứ lẩm bẩm mình chưa già đã vụng
Rồi cả căn phòng ngập trong hương nồng đậm
Chả trách người đời vẫn cứ thích hồng gai...

18/9/2016

Nhớ quê


Trong thang máy mọi người đều quen mặt
Chẳng ai hỏi, ai chào, rõ ra vẻ người dưng
Ở chung cư, lòng người như đá cuội?
Sao chưa bỏ nơi này về với quê hương?

16/9/2016

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

ám ảnh

Tiếng cười em trong trẻo vô tư
Không tả được bằng lời tôi quê kệch
Thấy lồng ngực rung lên từng nhịp
Thương con tim chưa biết đã già
Đưa tôi về những tháng ngày xa
Một nụ cười suốt cuộc đời ám ảnh
Đã không tìm về em sau ngày toàn thắng

Để người ấy bây giờ thành người ngày xưa...

Thăm đền Taj Mahan




“Sao nàng vội đi, để lại nỗi đau này
Khắp vương quốc một ngày trời tắt nắng
Khắp kinh thành một tháng liền vắng lặng
Và lòng ta đau đớn sẽ bao năm...?”
... Mấy thế kỉ rồi, hôm nay tới thăm
Lòng trai trẻ bồi hồi xúc động
Đá nói đấy, từng lời thầm lặng
Nghe cồn cào như từ một làn môi
Vua chúa cũng là người, như mình cả, em ơi
Cũng có nghĩa tình trong bạc vàng, nhung lụa
Và tình yêu, tình yêu muôn thuở
Có trước khi anh và em yêu nhau
Sáng giữa đất trời, cho đến mai sau
Bài thơ tình yêu tạc bằng đá trắng
Soi bóng xuống dòng sông im lặng
Như lời nguyền còn mãi với thời gian
Anh chợt nghe giữa tĩnh lặng không gian
Cả một công trường đang mài, đẽo đá
Những người thợ một đời vất vả
Trộn mồ hôi mình cho đá trắng hôm nay
Cháu con họ, còn ai ở nơi đây
Trong những con người nghèo nàn và chất phác?
Có ai nữa hôm nay còn giữ được
Nét tài hoa nghề chạm đá truyền đời
Anh bỗng thương em ở tận cuối trời
Lam lũ sớm hôm mình em toan tính
Chưa đến được nơi hôm nay anh đến
Agra mảnh đất đượm tình người
Taj Mahan, anh dừng một ngày thôi
Chưa thấy hết nỗi niềm trong thớ đá
Nhưng bỗng hiểu tình yêu là tất cả
Và nhớ em đến tê tái cả lòng
Có tình yêu mới trọn nghĩa vợ chồng
Tình nghĩa ấy không dễ gì có được
Hiểu thêm nhau mỗi đoạn đường ta bước
Mỗi sợi trắng trên đầu, đánh dấu một ngày xa
Anh thẩn thơ trong nỗi nhớ nhà
Bỗng muốn dựng một lâu đài đá trắng
Tạc vào đó tình anh thầm lặng
Ghi đến ngàn đời cái nghĩa của em
Taj Mahan anh ngồi đợi trăng lên...
                    Agra, Ấn độ

                        15/8/1992

Hồ trên núi





Đường cứ lên, lên mãi không thôi
Ngoằn ngoèo dốc giữa mây trời bảng lảng
Bỗng òa ra, một vùng đầy nắng
Yên lặng mặt hồ
Nai Ni Tal đấy ư?
Thành phố ở độ cao hai nghìn mét
Ôm gọn trong lòng một vùng nước biếc
Giữa trập trùng non xanh
Lấp loáng, long lanh
Cả một góc hồ bồng bềnh mây trắng
Và mấy chiếc buồm xanh trong nắng
Dụi mắt nhìn ngỡ đang mơ
Hãy thả xuống đi những chiếc thuyền trẻ thơ
Anh gập cho em bằng giấy
Em làm cô lái đò thuở ấy
Tiếng cười đến vô tư...
Chuyện kể rằng ngày xưa
Có một nàng tiên theo chị em xuống tắm
Nàng trót yêu sau đắm
Chàng trai kiếm củi bên hồ
Rồi câu chuyện tình nên thơ
Ngập chìm trong nước mắt
Rồi kẻ ở, người đi, kẻ trời, người đất
...thôi nghe làm gì những câu chuyện chia xa
Thời nào chẳng có
Chỉ biết lúc này em đang ở đó
Cùng bè bạn nô giỡn trên thuyền
Em cũng là nàng tiên
Chưa kịp yêu một người trai kiếm củi
Thuở bé anh học giỏi
Em có yêu một chàng kĩ sư?
Đùa vui thế thôi cho tiếng cười vô tư
Giữa cuộc đời còn nhiều gian khó
Cho những kỉ niệm thơ ngây tươi trẻ
Khỏi bị lãng quên giữa cơm áo gạo tiền...
Giữa một vùng mây nước bình yên...


            Hồ Nai Ni Tal, Ấn độ tháng 8/1993

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Bài thơ đăng lại



"Cõng mẹ đi chơi, một mai ngồi khóc bên trời..." Trần Quế Sơn

Không "cõng mẹ đi chơi"
Đưa mẹ tập đi bằng xe đẩy
Qua tuổi chín mươi, chân già lẩy bẩy
Dò từng bước trên sân, mẹ đếm từng vòng
Tựa vào cái xe, đỡ tấm lưng còng
Trên trán mẹ mồ hôi lăn thành giọt
Trời lặng gió, con nhanh tay quạt
Cố lên mẹ ơi, thêm được một vòng rồi
Ghế sạch đây bóng mát mẹ ngồi
Nghe mẹ kể về những ngày xưa cũ
Bao buồn vui ngổn ngang quá khứ
Cứ hiện về trong nhớ nhớ, quên quên...
.. Mẹ đi thêm một vòng sân
Là con sung sướng trăm phần mẹ ơi...
                    09.09.2015

Khoảnh khắc trong ngày





Hai mươi ba giờ  
Choàng tỉnh dậy. Đèn mấy phòng đều sáng đến lóa mắt. Nghiêng sang phải, thấy Hiển nằm ngoẹo đầu, tóc bơ phờ, một bên mép trễ xuống, hơi thở nặng nhọc từng nhịp, từng nhịp như bị tắc, bị dồn ứ ở đâu trong cổ họng.
      Đầu nặng như có đai quanh bó chặt lấy thái dương. À, đang ngủ ở nhà mình cơ mà. Chợt nhớ đêm nay là đêm thứ hai không còn mẹ nữa. Nước mắt ứa ra, chẩy xuống một bên vành tai nóng rực. Mọi khi vào giờ này mới rời bàn máy tính, hé cửa buồng mẹ kiểm tra. Mẹ thường đi nằm lúc hơn 22g sau khi che vợi ánh sáng của chiếc bóng đèn ngủ nhỏ xíu trong góc phòng bằng một cuốn lịch cũ. Người già đêm hay phải dậy đi tiểu. Mẹ giữ chút ánh sáng để còn tìm cái gậy dựng ở cạnh giường.
     Chiều muộn hai vợ chồng mới từ quê lên Hà Nội, ăn uống quấy quá rồi lăn ra ngủ, không cả tắt đèn. Hơn một tuần hầu như không ngủ. Bây giờ thì cửa căn buồng mẹ vẫn đang mở toang, trống huơ trống hoác. Chiếc gối trên giường mẹ để lệch về một bên. Ánh đèn từ phòng ngoài rọi vào, hắt chéo lên tường một mảng sáng rực rỡ. Mẹ ơi, phần xác mẹ đã nằm yên dưới ba thước đất, hồn mẹ ở đâu?
     Đang ngồi miên man nghĩ, liếc thấy đã hơn 3.00 sáng. Cái giờ cũng hay chợt thức khi nghe tiếng lộc cộc từ bên buồng mẹ. Cửa buồng ngủ luôn để ngỏ từ ngày mẹ ở đây để còn nghe tiếng động từ buồng bên cạnh. Nhà chỉ có 3 mẹ con, mẹ thích ngủ một mình. “mẹ hay phải dậy đêm, đứa nào nằm với mẹ rồi cũng mất ngủ lây. Cứ để mẹ ngủ một mình cũng được, cần thì mẹ gọi”. Nói thế là với con giai, con dâu thôi, chứ con gái thì khác, vẫn được ngủ cùng mẹ kia mà.
     Yên tĩnh quá. Đêm đầu hè sau ngày cốc vũ, có “rét nàng Bân” nên không thấy oi nồng. Mọi khi vào giờ này, đều như vắt chanh, mẹ khua gậy lộc cộc, lộc cộc vào buồng vệ sinh. Tiếng lộc cộc đêm thanh vắng nghe rất rõ mặc dù mẹ đã cố đi rất nhẹ. Cứ 4 tiếng cộc cộc là mẹ ra đến cửa buồng ngủ, 3 tiếng cộc cộc nữa là mở cửa buồng vệ sinh, rồi tiếng bật công tắc đèn. Tiếng bật đèn bao giờ cũng không liền ngay tiếng mở cửa vì mẹ còn phải rờ rẫm tìm. Lại một tiếng kẹt cửa nhẹ rồi im ắng. Bao giờ cũng nín thở chờ tiếng xả nước. Nếu lâu chưa thấy tiếng xả nước thì ngồi dậy để nghe ngóng và thở phào khi nghe tiếng nước xả ào ào trong bồn cầu. Rồi nhìn thấy bóng mẹ dò dẫm đi qua cửa sau khi đèn trong buồng vệ sinh đã tắt. Còn 4 tiếng cộc cộc nữa, tiếng mẹ húng hắng nhẹ rồi yên lặng. Nhẹ nhàng hé cửa buồng, thấy mẹ nằm im thì mới về ngủ lại. Có hôm mẹ ngồi trong bóng tối, lấy dầu gió xoa lên thái dương, mùi dầu gió thơm hăng hắc. Thế là ngồi xuống bên mẹ, vòng tay bóp đầu, bóp vai cho mẹ thật nhẹ, thật nhẹ. Chỉ một lát thôi, mẹ bảo: “đỡ nhức rồi, con về ngủ đi”. Đêm nào cũng thế, gần một năm từ ngày đón mẹ lên Hà Nội sau khi được nghỉ hưu. 
     Mà giờ này đêm nay, còn đâu tiếng lộc cộc đó nữa, chẳng bao giờ còn nữa mẹ ơi.
Năm giờ sáng 
Vừa mới chợp mắt lại một lúc thế mà giờ đã tỉnh hẳn. Con người có đồng hồ sinh học chăng, thì đúng với mình rồi. Bao năm qua cứ 5 giờ sáng là thức giấc. Từ ngày về hưu cũng vậy. Trải tấm đệm mỏng chỗ rộng trong phòng khách để tập thể dục. Lại nhớ khi còn mẹ, giờ này là lấy viên thuốc huyết áp, một viên tiểu đường nữa và cốc nước ấm cho mẹ đây. Rồi vào buồng vệ sinh pha nước vào cái thau nhựa, xếp chiếc ghế con bên cạnh để mẹ ngồi, lấy muối trắng bỏ vào cái ca, cùng cái khăn tay rửa mặt của mẹ đặt trên cái ghế nhựa cao. Uống thuốc xong mẹ ra vệ sinh buổi sáng. Mẹ tự làm lấy chẳng phiền đến các con. Cái bồn rửa bằng gốm sứ hiệu Linax đẹp mấy cũng chẳng có giá trị gì cho mẹ vì nó gắn cao thế thì làm sao mẹ với tới. Chẳng cứ mấy thiết bị vệ sinh mà nhiều thứ tưởng rằng cao cấp trong nhà này cũng chẳng mấy tác dụng cho mẹ khi mắt đã mờ, tai đã nặng, mẹ ơi…
     Tập thể dục xong đã hơn 5.30, khi còn mẹ thì nắng cũng như mưa, hai mẹ con lại xuống sân để mẹ tập đi bộ. Nếu mưa thì đi trong hành lang rộng thênh thang của tòa nhà. Trước khi đi, pha cho mẹ một cốc bột sắn dây không đường, thứ mẹ thích uống hàng ngày. Nhẩn nha ngồi đợi mẹ sửa soạn một cách bình thản. Mẹ lấy tay vuốt vuốt mớ tóc “húi cua” ngắn 3 phân mà cứ khoảng 20 ngày lại lấy tông đơ điện dũi cho mẹ một lần. Rồi chậm rãi đặt một vòng khăn tròn lên đầu thay cho khăn vấn tóc làm giá đỡ cho chiếc khăn vuông đen đội kiểu “mỏ quạ” từ ngày xưa. Có hôm mạnh dạn bảo: “mẹ ơi, trời nóng thế này, mẹ cứ để đầu trần cho mát, nhiều bà cụ già dưới sân vẫn để đầu trần đấy thôi”. Nhưng chẳng thuyết phục được mẹ. “Ai lại để cái đầu trơ ra thế này, không được con ạ. Cái bà cụ Thảo lại còn mặc cả quần hoa nữa chứ, bảo rằng cho nó sạch. Sạch hay không là do mình chứ. Bà già là cứ phải quần đen”.
     Mẹ chịu khó đi bộ thật. Chiếc xe đẩy làm chỗ dựa cho mẹ bám cả hai tay mà đi. Cái này là cái thứ tư rồi đấy, mẹ phải bám vào xe mà đi gần 20 năm rồi. Ngày trước xe làm bằng ống sắt vừa nặng vừa chóng hỏng. Giờ xe được làm bằng đuya-ra, nhẹ và bền chắc hơn nhiều. Hai bánh trước làm bằng nhựa tổng hợp khá tốt. Hai càng sau bằng đế nhựa mài xuống đất cho khỏi trơn trượt nên chóng mòn. Ông anh rể trên Hòa Bình, vào cửa rừng nhờ thợ mộc ở đó kiếm cho mấy mẩu gỗ gì rắn hơn cả thép, dùng rất lâu hỏng. Khoảnh sân trong khu chung cư khá rộng, được lát gạch men. Chiều dài đoạn sân phải hơn 90 m. Sáng nào mẹ cũng đi đủ 15 vòng mới ngồi tạm nghỉ. Trời nóng thì luôn ngồi quạt cho mẹ bằng chiếc quạt nan. Tai mẹ nặng, phải ghé sát vào tai trái mà nói thì mới nghe được. Có mấy bà cụ ít tuổi hơn mẹ cũng thường đi bộ ở sân, lúc ngồi nghỉ hay trò chuyện cùng mẹ, lại phải ngồi bên “làm phiên dịch”. Có cụ bảo: “bác chăm cụ thế này là quí hóa lắm, mai kia cụ chết, không cần phải khóc”. Ừ mình có khóc đâu nhỉ, giờ nhìn cái xe chỉ ứa nước mắt thương nhớ mẹ mà thôi. Mẹ ơi, cái xe này con sẽ giữ mãi như một kỉ vật của mẹ. Một vật dụng thân thiết giúp mẹ chống chọi với căn bệnh tiểu đường mấy chục năm. Sáng nào mẹ cũng đi hai đợt như thế cho đủ 30 vòng sân. Có lúc thấy mẹ ướt đẫm vai áo, dừng lại giữa sân, ghé tai mẹ hỏi thì mẹ bảo: “hôm nay mỏi thế, nhưng mới được 28 vòng, còn hai vòng nữa cơ”. Rồi mẹ lại cố từng bước, từng bước…Đi thong thả bên cạnh quạt cho mẹ, vung tay rộng để làn gió thoảng hết từ đầu xuống chân, cũng là một động tác thể dục luôn. Hôm nào trời gió mát thì thôi. Có người tham gia :”anh mua lấy cái quạt con con chạy ắc qui gắn vào xe cho cụ, vừa mát vừa đỡ quạt”. Vâng, điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Mẹ có con giai đi bên cạnh, quạt đều đều, mẹ đi khỏe hơn chứ vì như có con tiếp sức. Cái sự tiện lợi kia, có lúc lại chẳng bằng cái tận tụy mộc mạc chất chứa yêu thương.
Mười giờ sáng
Cái đồng hồ điện tử kêu tít tít một hơi, báo đến giờ ăn rau của mẹ. Hôm nay, tiếng kêu kéo mình về với hiện tại. Mẹ mất rồi còn đâu. Chúng con sẽ cúng cơm mẹ mỗi ngày theo phong tục. Nhớ hồi mới phát hiện mẹ bị tiểu đường. Anh bạn bác sĩ chuyên khoa bảo :” Người bị bệnh tiểu đường có thể sống khỏe với 3 điều kiện. Một là ăn kiêng ít bột, ít đường, nhiều rau, hai là vận động thật nhiều, ba là dùng thuốc để hỗ trợ, nhưng quan trọng nhất là vận động và ăn nhiều rau”. Thế mới có bữa rau vào lúc 10 giờ sáng và 6 giờ chiều hàng ngày cho mẹ. Từ hôm bị ngã, mẹ không vận động được, chỉ ít ngày mà sức khỏe mẹ sụp xuống thật nhanh. Mẹ thích ăn rau luộc nhừ, không cần chấm mắm muối, rau thì mùa nào thức ấy, trừ rau muống. Đến bữa mẹ ngồi cùng cả nhà, chỉ một lưng cơm thôi, thức ăn thì gắp sẵn, hoặc để bát riêng gần mẹ. Nếu có xương ninh hoặc chân giò thì cứ để mẹ tự ăn, mẹ không thích lọc xương ra, chỉ cần cái khăn tay nhỏ vắt kiệt nước để cạnh cho mẹ lau, thế là mẹ cầm tay mà ăn ngon lành.
     Giờ nghỉ trưa mẹ ngủ rất tốt, có khi đến 15 giờ mới lộc cộc khua gậy ra phòng khách. Một cốc nhỏ nước quả hoặc quả cắt nhỏ là bữa phụ buổi chiều. Mẹ thích nhất là thanh long, chuối tây, bưởi. Khó mời được mẹ những thứ ngọt như cam, xoài, dưa hấu, đu đủ, táo…nếu có thì chỉ một miếng thật nhỏ. Rồi mẹ ngồi ngắm con giai tập một bài thái cực quyền ngay trong phòng khách. Mẹ bảo :” dạy em Chính tập với. Nó lười tập nên bụng to chứ không chắc người như anh đâu. Mà cái thằng, chỉ thích câu cá, đi câu thì ngồi cả ngày, ích gì”. Hơn 10 ngày nay, con không tập được. Hôm nay ngồi đây nghĩ về mẹ, chân tay con mỏi rã, chưa tập được. Rồi ngày mai, ngày kia con sẽ lại tập, chỉ tội không có mẹ ngồi nhìn con tập thôi, mẹ ơi...
Mười bẩy giờ 
Tiếng ồn ào ngoài hành lang. Bọn trẻ trong chung cư tan học đã về. Chúng lại ùa xuống sân chung để chơi bóng, trượt pa-tanh, đi xe đạp mini. Buổi chiều mẹ thường tập đi trong hành lang cho an toàn, không thoáng bằng ở ngoài sân nhưng không sợ lũ trẻ xô vào. Mẹ đếm cẩn thận lắm, đoạn đường ngắn hơn nên hôm nào cũng đi hai lượt, mỗi lượt phải đủ 20 vòng. Giờ đã sang hè, 5 rưỡi chiều mà vẫn còn nắng. Nhìn bọn trẻ nô đùa ngoài sân, nhìn hành lang chung cư dài hun hút không thấy bóng mẹ tập đi nữa. Mẹ ơi, giờ này mẹ ở đâu?
     Bữa cơm tối thật nhạt. Mấy đứa con sợ bố mẹ buồn nên kéo cả sang. Rồi cũng lại chỉ kể chuyện về bà nội. Đứa chắt đích tôn lên 3 tuổi khoe :”hôm qua con đội khăn mầu cam, sao ông bà không đội mầu cam? Con sợ, kèn nó thổi to quá. Hôm nay ông bà quên không đón cụ lên à?”. 
Ừ, ông không đón được, cụ đi xa, đi xa lắm rồi con ơi. 
“cụ đi công tác à, như bố Quyết à? Cụ có mang vali không?”. 
Cụ đi rồi, không mang gì cả con ơi. “cụ đi nhẹ như thiên thần” mấy người hàng xóm chứng kiến giờ phút lâm chung của mẹ nói thế.
Hai mươi hai giờ
Chiếc tivi ở phòng khách nói một mình chẳng có ai xem. Hiển kêu đau đầu đi nằm sớm. Ngồi ở bàn máy tính mà chẳng thấy ham muốn xem gì, đọc gì như mọi khi. Máy điện thoại rung nhẹ, có tin nhắn mới :“Mai ông đón cháu hộ con nhé”. Ừ, mai sẽ đi đón cháu, sẽ tiếp tục cuộc sống thường ngày mà không còn mẹ nữa. Bước ra ban công, gió nhẹ và mát dịu. Trời trong, trăng 17 đã lên cao, trăng thành phố không sáng bằng ở quê, nếu không để ý có khi còn không thấy trăng nữa giữa những căn nhà cao tầng. 
Vầng trăng cao trên kia, có mẹ tôi ở trên đó không?
22/4/2016


Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Vụn kí sự 4

Hí hửng mua tim làm nồi lẩu
Vợ: "Ơ kìa, ti vi nói hôm qua,
Vừa mới bắt mấy tấn tim đông lạnh
Cất kho từ Một chín tám ba"
...Mắt chữ O, mồm chữ A...


Cô bán thịt: " Sườn non em ngon lắm,
Anh mở hàng, em chỉ lấy Tám Nhăm".
Về vợ hỏi. "Ừ, anh mua Bẩy Tám"
"Rẻ thế à? mai mua lấy dăm cân".
Ờ ờ...anh...
13/4/2016

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Áo ấm ngày hè

Tháng tư về, trời nồm oi bức
Thèm một ngày giá rét Giêng Hai
Nàng Bân khóc mà mùa Đông trở lại
Tấm áo này, ai khóc giùm tôi?
Đành gấp lại, ủ giữ hương vải mới
Ủ nghĩa tình sâu nặng người trao
Và thấp thỏm ngóng chờ ngày Đông tới
Lại sợ Hè nồng ấm qua mau…
                                      11/4/2016





Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Vụn kí sự 3

Làm đậu phụ

Thấy mọi người làm đậu phụ tại nhà
Tí tởn mua đỗ về, xay..xay và vắt..
Vợ khen: "bố mày làm thế mà ngon thật"
Chỉ tiếc cái máy xay Thái Lan, mệt quá, nghỉ luôn rồi...
Ôi.. đậu phụ ơi..


Tỏi đen

Dân mạng ồn ào: tự làm lấy tỏi đen
Chữa bách bệnh. Ừ thì ngâm một mẻ
Hai tuần đợi chờ, tỏi đen tuyền, sướng thế
Chén một củ, thôi rồi, đau bụng suốt cả đêm...
Ôi, tỏi đen...

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Nhớ em



Em đi ngày lặng gió
Hà Nội đã vào xuân
Hoa Sưa nở trắng ngần
Rưng rưng cành lộc biếc
Phía ấy trời còn tuyết
Cành cây khô khẳng khiu
Phía ấy cuối giờ chiều
Sương mù buông mờ ảnh
Phía ấy vầng trăng lạnh
Khó ngủ lúc nửa đêm?
…Hà Nội giờ vắng em
Cà phê buồn không sánh
Ngày trôi trong im lặng
Khắc khoải…
… đợi em về…

                             21/3/2015

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Thành phố của em



    Anh đã đến thăm thành phố của em
Đến với A-li-ô-sa trên đồi Chiến sĩ
Đến với sông Ma-rít-xa hùng vĩ
Ngắm mặt trời phương nam huy hoàng
    Nói với hôm nay là các Viện bảo tàng
Hát cho mai sau là tiếng cười con trẻ
Anh cứ ngỡ như mình còn bé
Giữa thành phố của em rộn rã tiếng cười
    Không có em trong những dòng người
Ngày hôm ấy cùng anh lên núi
Chủ nhật bình thường mà anh cũng vội
Thăm thành phố một ngày chẳng dám dừng lâu
    Thăm thành phố một ngày anh biết dừng đâu?
Mỗi góc phố, mỗi đường cây đều lạ
Không muốn hỏi thăm ai cả
Anh cứ đi, những con đường chưa quen
    Ước một lần ngắm thành phố vào đêm
Để cùng em xem nhạc mầu buổi tối
Ngày hôm ấy sẽ là ngày hội
Em dắt anh đi thăm thành phố tuyệt vời
    Bỗng nhớ nôn nao thành phố cuối trời
Căn gác nhỏ mẹ đi về sớm tối
Chiếc cầu thang nhà em có giàn hoa giấy
Đã lâu rồi vắng tiếng bước chân quen
   Vui với thành phố này đừng quên nghe em
Chỗ gạch bập bênh, để trên cằm vết sẹo
Bốn giờ sáng mẹ xếp hàng mua gạo
Khẩu súng ấm tay người canh thức đêm thâu…
    Không đủ lúa nuôi người ôi mảnh đất thương đau
Xương máu của cha ông đã thấm hồng mỗi tấc
Giao cho cháu con lưỡi gươm thần giết giặc
Có ngờ đâu gươm còn mãi trên tay
    Nơi đất lành thì níu cánh chim bay
Quê mẹ dẫu nghèo vẫn gọi về da diết
Hướng theo cánh chim Lạc Việt
Mà bay, ơi cánh chim Bằng
    Anh lại thầm mong được một lần
Đến thăm em ngày chủ nhật
Dẫu chưa phải là cái tên hay nhất
Anh vẫn gọi nơi này là Thành phố của em…

                                  Bun-ga-ri 5/1980

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Thương tiếc người bạn học

        Một người bạn học của tôi vừa ra đi vĩnh viễn ở tuổi lục tuần, không già, không trẻ. Anh ra đi có thanh thản không? Tôi nào biết được, nhưng chắc là đau đớn vì căn bệnh ung thư quái ác. Ngày 1 tháng 3 năm nay, tôi đang nằm viện không đến lễ tang anh được. Từ hôm đó, hình ảnh của anh, những tâm sự ngắn ngủi của anh, những trang viết của anh trên trang cá nhân cứ quay đi quay lại với tôi trong thao thức. Vâng, anh đã để lại trong lòng bạn bè một sự tiếc nuối về một cá nhân không bình thường, có những suy nghĩ không bình thường.
       Anh là Trịnh Văn Dung, cựu học sinh giỏi cấp 3 Duy Tiên, Hà Nam. Đây là lời một bạn học cấp 3 về anh: “ đặc biệt giỏi toán và là một học sinh cá biệt”. Nhiều người khác đều nhận xét anh là một người hiền lành, rất trung thực và tử tế.
      Tôi học đại học xây dựng cùng anh ở châu Âu. Chúng tôi đã phải có kết quả rất tốt cho 2 năm học đại cương để được học chuyên sâu về kết cấu công trình. Anh ít nói, không hay phô những gì mình biết, chỉ lặng lẽ nghiên cứu, tìm tòi và độc lập trong thế giới sáng tạo của riêng mình. Còn nhớ luận văn tốt nghiệp của anh là thiết kế kết cấu công trình ống khói lớn. Trong suốt thời gian tính toán số liệu, nhiều lần thấy anh tranh luận rất căng với thầy hướng dẫn. Anh đã không làm theo ý thầy, không sửa chữa những chỗ mà người hướng dẫn yêu cầu và đương nhiên, việc bảo vệ của anh trước hội đồng thi quốc gia gặp nhiều vướng mắc. Anh đã được công nhận tốt nghiệp với sự không hài lòng của thầy và nhiều câu hỏi khoa học của anh mà hội đồng cũng chưa giải thích được tường tận.
      Về nước, anh được phân công lên công trình thủy điện Sông Đà. Những năm khó khăn ấy của đất nước, chúng tôi hầu như mất liên lạc. Một người bạn chung cho tôi biết: anh gặp nhiều vướng mắc với lãnh đạo công ty do tính quá thẳng thắn. Rời Sông Đà về quê anh làm mấy năm nữa cho một công ty nhỏ ở địa phương rồi nghỉ hẳn. Con cái lớn dần, nhà bớt khó khăn hơn và anh bắt đầu đắm mình vào đam mê của riêng mình, một đam mê cũng không bình thường.
      Một lần gặp nhau, tôi hỏi: “bây giờ hàng ngày ông làm gì?”. Anh bảo: “nói các ông cũng không chắc đã hiểu”. “Nhưng là làm gì chứ?”.
     Anh bắt đầu cho tôi biết về tìm tòi của mình. Đó không phải là Thiên văn học, cũng không phải thuần túy cơ học lượng tử. Triết học được coi là nghiên cứu những quy luật chung nhất của mọi khoa học, nhưng nghiên cứu của anh cũng không phải là triết học. Anh cho biết đã tham gia nhóm tìm ra Hàm số tuần hoàn của vũ trụ (CFC – the Circulational Function of Cosmology) và hiện đang chứng minh sự đúng đắn của Hàm số này trong mọi lĩnh vực của tự nhiên, xã hội. Tham gia nhóm có khoảng 40 người đều là giáo sư, tiến sĩ hoặc nghiên cứu sinh ở các quốc gia khác nhau trên thế giới.
     Một người bình thường như tôi, thật tình không thể hiểu những điều anh nói. Đọc trong mạng của anh cũng chẳng hiểu gì. Nhưng tôi trân trọng cái đam mê của anh. Có lẽ anh không hợp với môi trường bình thường chăng?. Anh có thế giới của riêng anh. Đắm chìm trong những nghiên cứu của mình, anh cô đơn và thường là bị cô lập e cũng là điều dễ hiểu. Những lần gặp nhau ngắn ngủi, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của anh, hạnh phúc được tự do tìm hiểu những quy luật tổng quát nhất.
     Có người độc miệng bảo anh điên. Có lẽ họ cũng không sai lắm nếu so sánh với những người bình thường thì anh "điên" thật. Nhưng tôi kinh ngạc khi biết anh hoàn toàn tự học để sử dụng tiếng Anh trong nghiên cứu các tài liệu nước ngoài. Anh đã đọc “thiên kinh, vạn quyển” chứ không thì sao mà có nền tảng kiến thức đa ngành, để tranh luận với những người cùng chí hướng trên thế giới?
     Mấy hôm nay, nhớ đến anh, ngồi xem lại những trang anh viết, hoặc tranh luận với bạn bè khoa học biết rằng anh đang tìm mối liên hệ phổ quát của cái Hàm số “siêu đẳng” kia trong rất nhiều vấn đề của nhân loại. Đó là quan hệ Chiến tranh – Hòa bình; là quan hệ hàng hóa – tiền tệ. Anh mô tả sự tương tác giữa cơ học Galiley – Newton với Lorence – Einstein; nghiên cứu về các “hạt cơ bản”, các "phản hạt", về hố đen, về các dạng năng lượng và động cơ trong tương lai…Các đồng nghiệp trong nhóm của anh thảo luận rất sôi nổi, có nhiều nhận xét và phản biện kịp thời. Tôi đọc thấy tên những người Anh, Nhật, Ấn Độ, Pakistan, Bungari..và tôi cũng chẳng hiểu những nội dung mà họ đưa ra(!) 
     Nhưng căn bệnh quái ác đã cướp anh đi nhanh quá. Những người thân thiết với anh nào ai hiểu được những điều anh đang suy nghĩ tìm tòi?
     Là một bạn học của anh, nhưng tôi không thể chia sẻ những gì anh đam mê, chỉ biết xót thương anh, trân trọng anh với tư cách là một con người. Bởi anh sống tử tế, trung thực và chẳng làm hại đến ai. Anh đi tìm một thứ mà đa số mọi người quanh anh đều cho là hư vô, nhưng nó không uổng phí, có chăng chỉ là mấy đồng tiền còm của anh trả cho dịch vụ internet mà thôi. Người thiệt thòi nhất có lẽ là vợ anh khi chị đã ủng hộ anh (hay là chịu đựng anh) trong cái đam mê khác người ấy suốt những năm qua và sau những tháng ngày chăm sóc anh khi lâm bạo bệnh.
     Viết những dòng này để giải tỏa những ưu tư về anh trong suốt những ngày qua và cũng là thay một nén nhang tôi khấn anh trên đường về cõi vĩnh hằng. Nếu ai đọc bài này, muốn biết thêm về anh có thể tìm đến trang mạng về CFC – Hàm số tuần hoàn vũ trụ. Những bài viết của anh dưới tên Jung Vanchinh. Vĩnh biệt anh, người bạn học đặc biệt của tôi.
(Dưới đây là mấy hình ảnh về những thuật toán "kỳ quặc" của Jung Vanchinh)








Em hát đi em

Có người nào đang ở rất xa
Nhắc tên chăng mà tôi mất ngủ?
Mở nghe lại một bài hát cũ
Em hát đi em, sóng sánh biển chiều…

Cho tôi về ngày tháng cũ, phiêu diêu…

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Vụn ký sự

                   Vụn ký sự 1

Mọi người mua, cũng hí hửng mua theo
Tôm đồng tươi vẫn còn tanh tách nhẩy
Tươi ngon thế này vợ mình vui lắm đấy
Về, vợ vắng nhà, lại lụi cụi cắt râu...
Ôi…lâu…


               Vun ký sự 2

Lũ thanh niên trong khu đá bóng
Ông già, làm trọng tài được chứ? Sao không?
Tớ cũng cỡ FIFA mới thải
Lúc thổi quả phạt đền, chúng ầm ĩ: "ông hâm"

Ờ…ờ …hâm

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Ô tô ký sự

              Ô tô ký sự 1

Cao tốc đi Hải Phòng, xe chạy mát chân ga
Ừ, đường xá mình giờ kém gì Bắc Mỹ?
Đang vun vút, bỗng “choang”, đá bay, kính vỡ
Cầu vượt ngang đường, thấp thoáng bóng trẻ trâu…
Ô…ở đâu…

             Ô tô ký sự 2

Đang lái xe, chuông điện thoại réo vang
Cầm lấy máy, chu cha, cô bạn cũ
Giời ạ, chuyện lan man, hẹn hò đủ thứ
Chú cảnh sát tuýt vào, mời anh ký: năm trăm…
Ôi…thâm…

            Ô tô ký sự 3

Hai xe chợt đối đầu đường hẹp
Thôi mình lùi trước tí, tránh “gấu, voi”
Xe kia vượt lên, cô gái xinh cầm lái
Hổ bên cạnh gầm gừ: về nhà chết với tôi…
Ôi…toi…

             Ô tô ký sự 4

Xe buýt đông người, lắc la lắc lư
Cô gái trẻ đứng sát vào, thơm phức
Ô, ta đang mơ hay trong đời thực?
Cô gái xuống rồi, ví mình... cũng đi theo…

Ôi…tèo…

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Ánh mắt em


Đọc lại bài thơ cũ
Nhớ em của ngày xưa
Đôi mắt cười trong vắt
Theo anh đến tận giờ...

Vô đề 8

Nghe tiếng chuông vội ra mở cửa
Một cụ bà mời mua mấy gói tăm
Trông dáng cụ giống mẹ mình đến thế
Chợt nhói lòng, lâu quá chẳng về thăm...

Đọc bài Một mình tự sự

           Nếu ở gần thì thế nào tôi cũng chạy qua để hầu rượu, nghe thơ ông trong dịp này.
            Mà dịp này, khi bà đi vắng, chứ không phải là lúc khác.
         Ông ở một mình, hẳn thế, gẩy đàn, mình gẩy mình nghe. Hồi nào đọc trên trang thấy hình như ông biết chơi đàn Măng đô lin hay sao ấy. Giờ ông chơi để thưởng thức những âm thanh do mình tạo ra hay ông muốn xua cái vắng lặng?
        Rồi ông bình thơ, nhặt “câu được, câu chăng” cũng chỉ một mình.  Ông lại ngồi nghĩ ngợi, chẳng buồn tênh, nhưng chắc là có buồn vì vắng vẻ. Rồi thấy ông lụi cụi, đi ra, đi vào, xếp cái này, đặt cái kia. Chắc phải xếp đi đặt lại nhiều lần thì mới “như ông xẩm” chứ nhỉ?
Nhưng đừng tưởng là ông cô độc nhé. Một mình mà không cô độc vì ông có rượu, có nàng thơ. Tôi cam đoan là ông không chỉ một lần này như thế. Ông vẫn sống chẳng đến nỗi nào khi vắng bà vì may trời phú cho ông chút “sợi tơ trời” vương vấn từ thời trai  trẻ. Nhân gian cũng đã sáng tạo ra thứ nước cốt tinh túy của gạo cho tất cả và nhất là cho những người thích thơ.
       Song le, đọc đến cuối bài thì thấy thực là ông cố tỏ ra như thế cho bà đỡ phiền lòng thôi, để bà còn yên tâm lo giúp con cháu trên Hà Nội. Thì đây, bằng chứng là ông bảo ông “vẫn đình huỳnh”. Ối chà, ”đình huỳnh” thôi, chứ không phải “đàng hoàng” đâu nhé. Có người có thể cãi: để gieo vần “uỳnh” cho hợp vận toàn bài, chứ thế là “đàng hoàng” đấy. Tôi không tin như vậy. Ông già chơi chữ nghĩa bao nhiêu năm, rút trong ống tay áo ra thì vần có xếp cả đống cũng không hết. Tưởng tượng ông ngồi thanh thản, trước mặt có nậm và chén nhỏ, hai tay hơi khuỳnh ra dù chỉ có một mình.
        Tôi chưa đủ trải nghiệm hoàn cảnh tương tự nhưng chợt nhớ đến chuyện bố mình, ông thợ rèn có tiếng trong vùng, thích uống rượu và hơi “gia trưởng”. Là người kiếm tiền nuôi cả nhà, vì vậy có thể lúc nào đó ông thiếu tế nhị trong đánh giá “công lênh” của bà mẹ tôi chăng. Một lần, trong bữa cơm, chẳng hiểu các cụ lời qua tiếng lại thế nào, chiều hôm đó mẹ tôi khăn gói đi thăm con gái cách nhà cả vài trăm cây số. Mọi công việc nội trợ chất hết lên đầu ông bố vì chúng tôi còn phải đi học. Ba ngày đầu, mọi việc có vẻ ổn, nhưng rồi có hôm tôi đi học về muộn thấy ông vừa ngủ gật vừa băm bèo nấu nồi cám lợn. Chỉ được 7 ngày, ông ra bưu điện gửi đi một dòng ngắn ngủi, ký tên tôi: “bố ốm, mẹ về ngay”. Mẹ tôi tất tả về vào đúng buổi trưa, thấy ông đang ngồi khuỳnh khuỳnh uống rượu, lại còn bảo: “bà về sớm thế, bố con tôi vẫn đàng hoàng”. Mẹ tôi mát mẻ: “Vâng, lúc nào mà ông chẳng đàng hoàng, chỉ có thân tôi là khổ”.  
       Thế đấy, một gia đình thiếu bàn tay người phụ nữ thì chán lắm. Dân gian còn có câu: “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông” kia mà. Với mọi nhà nhìn chung là vậy, huống hồ nhân vật bà trong bài thơ trên kia đâu chỉ có lo “những việc không tên”. Bà còn là người thưởng thơ, thưởng nhạc, “ai tri âm đó, mặn mà” cùng ông, thì bà đi vắng ông đàng hoàng thế nào được?.
       Nhân nói đến chuyện tri âm, kể ra chuyện này cũng hơi xấu hổ. Năm ấy tôi về phép, vợ chồng son mới được bố mẹ cho ra ở riêng ngoài xóm trại vắng vẻ. Buổi tối lên tận phố huyện mượn được cây đàn ghi ta, quyết trổ tài với nàng một phen. Trăng thanh, gió mát, nàng gội đầu xong đứng hong tóc góc sân, tôi mang đàn ra độc tấu bài tủ “sóng sông Đa nuýp” học mót truyền tay của một cậu lính công tử người Hà Nội. Khua xong cả bài, tôi háo hức hếch mặt lên chờ đợi. Nàng bảo: “Anh đánh đàn nghe cứ ào ào như mưa ấy nhỉ” (!) thật hết biết. Thế là từ đó tôi chẳng bao giờ đụng đến cây đàn.

      Trở lại trên kia, tôi bảo thích hầu chuyện ông dịp này là bởi ông có chơi đàn thì cũng chỉ một lúc, bình thơ mà không có người nghe cũng kém hứng khởi. Mình là học trò, thích nghe, thích hỏi, lại cũng thích uống rượu, chắc ông dễ mở lòng mở dạ. Nếu bà có nhà thì câu chuyện sẽ vui theo cách khác, nhưng dễ gì được nghe những điều sâu lắng, trải nghiệm, gan ruột của Thầy?.

       Bà đi ít hôm rồi bà lại về. Khoảng thời gian bà đi vắng, dù ông vẫn rượu, vẫn thơ đấy, nhưng nó sẽ là một phiên bản khác để so sánh với lúc có bà bên cạnh. Để rồi đôi bạn già ấy sống cuộc đời bình dị, thanh bạch, đáng trân trọng trong mắt những người thân./.

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Đợi một cánh thư xuân

     Anh viết cho em khi xuân đang về
Tiết đông chừng bớt lạnh
Sương giăng sớm trên phố phường im lặng
Và bồi hồi nỗi nhớ riêng anh
    Mùa xuân này vẫn trời biển cách ngăn
Thấy ríu rít nhà bên, em đừng khóc
Con mải vui cùng bạn học
Anh biết em lại chỉ có một mình
     Nghe thấy chăng em lời thủ thỉ tâm tình
Theo ngọn gió lùa qua khe cửa
Em có thấy tiếng reo từ ngọn lửa
Tiếng con chim vui hót dưới hiên nhà
    Ấy là anh vừa ghé qua nhà
Như những ngày xưa vội vã
Lính mà em, thời chiến thời bình đều thế cả
Anh về rồi lại đi
   Cứ như là trong mơ
Những ngày gần nhau ngắn ngủi
Giọt nước mắt trên vai anh nóng hổi
Sợi tóc vương trên áo lúc rời xa
    Những mùa xuân cứ thế đi qua
Âm thầm, lặng lẽ
Xa nhau suốt cả thời trai trẻ
Vẫn chưa gần lúc sang tuổi bốn mươi
                     ***
    Sáng xuân này anh đứng giữa đất trời
Mặc sương lạnh giăng giăng mọi lối
Anh đứng và anh đợi
Một cánh thư vui, từ phía mọc mặt trời./.

                                         1993

Lại một tết xa nhà

    Tết lại về, lại vẫn thiếu em
Xa cách mãi, mỏi mòn nỗi nhớ
Anh lặng lẽ đứng bên cửa sổ
Ngắm mãi dòng xe chạy ngược xuôi
    Oa-sinh-tơn còn lạnh lắm em ơi
Mặt đất im lìm trắng tuyết
Chắc còn lâu mới đến ngày chồi biếc
Cựa đầu cành mời gọi xuân sang
    Lâu thế mà vẫn chưa hết một năm
Còn hai mùa hội hoa anh đào nữa
Hai mùa lễ Tạ ơn, hai mùa thu lá đỏ
Hai mùa đông mưa gió sụt sùi
    Vắng em thì công việc làm vui
Vắng em thì bữa cơm trầy trật
Vắng em đêm ngủ không trọn giấc
Vắng em thì… vắng lắm em ơi
    Anh biết ở nhà cũng vắng thế thôi
Lại càng thấy thương con thêm chút nữa
Bữa cơm chia thừa đôi đũa
Để mong cho bố chóng về
    Dịp này ai đưa em về quê
Xe ngày tết, dặm đường xa ngái
Em đừng đi lối bến phà Phả Lại
Người đông, phà chật, bập bềnh
    Mang về giùm anh một chút lòng thành
Ở nơi xa khấn vọng về tiên tổ
Làn hương mỏng bay qua cửa sổ
Có đủ sức về tới tận quê hương?
    Nhưng lòng anh vẫn qua đại dương
Qua không gian, qua thời gian vẫn thế
Thương các con, lo về cha mẹ
Và nhớ em da diết trong lòng
    Vườn đào sau nhà mình năm nay có đẹp không?
Khóm hoa súng em có còn giữ được?
Cây bằng lăng mới trồng cửa trước
Đã vươn cành, trổ lá chưa em?
    Một mùa xuân sắp về nhựa sống đã dồn lên
Cây chờ đợi dâng cho người hương sắc
Người chờ đợi mong đến ngày gặp mặt
Anh nhớ em trắng cả tóc trên đầu
… Dưới lòng đường xe vẫn nối đuôi nhau
Cuộc sống chẳng lúc nào ngưng nghỉ
Anh lặng lẽ đứng bên cửa sổ
Lại đón tết một mình, cồn cào nỗi nhớ em./.

                                         1998

Chia ly trước mùa xuân

   Mùa xuân này muốn dành cả cho em
Bởi lại sắp cách xa vời vợi
Em đã sống những tháng năm chờ đợi
Những ngày rất dài, những đêm rất sâu…
   Có bao giờ đòi hỏi gì đâu
Cô gái của làng quê chân thật
Vụng đường tính những gì được, mất
Cứ bồng bột yêu đời và tha thiết yêu anh
   Nhưng em ơi, dẫu đã hết chiến tranh
Đất nước đã yên bình không tiếng súng
Kẻ thù vẫn đêm ngày ngầm đánh
Chúng muốn chặn con đường cả dân tộc đang đi
   Hai mươi năm đã biết mấy chia ly
Em nhớ rõ từng ngày, từng tháng
Anh mải mê ở đâu, hay quên lắm
Ngày sinh nhật em cũng chỉ cười trừ
   Đời bộ đội nghèo “nuôi vợ bằng thư”
Còn con nhỏ? “nuôi con bằng kẹo”
Ruộng đất quê mình nhiều khoai ít gạo
Đồng lương anh, ngày trả phép, lại tiền em
   Vượt qua đói nghèo các con vẫn lớn lên
Như mầm cỏ đất cằn vẫn sống
Những năm anh xa, một tay em chèo chống
Đuôi mắt thêm nhiều vết rạn chân chim
   Thế mà anh lại sắp xa em
Đôi cánh nhỏ sắp vẫy vùng trời lạ
Anh đề lại cho em tất cả
Nhọc nhằn, vất vả, lo toan…
   Em sẽ là ngọn lửa quê hương
Sưởi ấm lòng anh mùa băng giá
Sẽ trò chuyện với anh, những đêm ít ngủ
Sẽ cho anh hạnh phúc tròn đầy
                     ***
Xuân đến rồi, mưa giăng bụi sớm nay
Anh lặng lẽ ngắm em trong giấc ngủ
Và chợt hiểu tình yêu anh chưa đủ
Với những gì em mang đến cho anh…/.

                                         1997

Ru em

    Vai anh đây, em hãy tựa đầu
Ngon ngủ nhé, đêm xuân mưa tí tách
Hết đợt rét dài, trời thì thầm cùng đất
Một mình anh thức với bao la…
    Một mình anh thức với tháng năm qua
Kìa bóng dáng em, những ngày xưa lam lũ
Một nách hai con, sờn vai áo cũ
Căn nhà nhỏ nhoi, xóm trại hoang sơ
    Và những khi anh đột ngột ào về
Mâm cơm nhỏ giữa sân, con tíu tít
Dồn nén thời gian, òa lên ngày hạnh phúc
Rồi anh đi…
   Rồi anh đi, như mang tất cả anh đi
Để lại cho em cái đơn chiếc đêm khuya
Để lại cho em ruộng sáu sào cày cấy
Để lại cho em nước ngập đồng tháng bẩy
Để lại cho em con đi học đường xa
Để lại cho em những trận bão xô nhà
Để lại cho em những ngày mưa mái dột
Để lại cho em những đêm dài con sốt
Một mình em lau nước mắt một mình
Anh ở xa, khác chi kẻ vô tình
Dòng thư ngắn em giấu bao tủi cực
Làm vợ lính, đếm từng ngày hạnh phúc
Năm tháng dài, cứ như thế thoảng trôi…
                     ***
   Rồi đến một ngày như “vật đổi sao dời”
Chẳng có “Chiếu dời đô”, chỉ bốn bàn tay trắng
Dắt díu nhau, gồng gồng, gánh gánh
Như đàn gà con lạc mẹ giữa phố đông
Chỉ để con gần cha, chỉ để vợ gần chồng
Ôi ngày ấy, cuộc di dời ngoạn mục
Trong đói nghèo vẫn nhóm lên hạnh phúc…
     Có hề chi, phu khuân vác xưởng cưa
Có hề chi, chợ sớm với chợ trưa
Có hề chi, lại đêm đêm đèn sách
Viết nửa chừng trang, bút buông em ngủ gục…
     Như hoa cuối vụ rồi, tỏa vội chút tàn hương
Như kén tằm trút nốt sợi tơ vương
Như cánh bèo, không chịu chìm, nước xiết
Bàn tay quen cấy trồng, giờ em đi làm thuốc
Chắt tinh túy cỏ cây dâng hiến cho đời
Và thời gian cứ như thế nhẹ trôi…
                     ***
    Ngoảnh lại nhìn, sắp sang tuổi sáu mươi
Anh cũng sắp hết cuộc đời người lính
Trả lại súng gươm, rời lưng ngựa chiến
Anh trở về…
Anh trở về với một trái tim
Một trái tim nguyên vẹn biết yêu em
Một trái tim biết ơn đời vợ…
                  ***
Đêm yên tĩnh, đêm xuân yên tĩnh thế
Hơi thở em sao chưa bớt nhọc nhằn
Cứ tựa đầu ngon ngủ vai anh
Trời hửng sáng, xuân về trên cành biếc
Em có nghe nhịp tim anh thao thiết
Hòa cả tâm hồn thành lời hát ru em…

                                      2013